Song, việc triển khai thực hiện ở huyện Phú Tân vẫn còn nhiều khó khăn. Chủ tàu lớn, khai thác xa bờ đều đồng tình thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, còn chủ phương tiện khai thác gần bờ thì cho rằng việc làm này không cần thiết và tốn kém, bởi phần lớn họ chỉ đi và về trong ngày.
Đến nay, trên địa bàn huyện Phú Tân có 4 phương tiện khai thác biển xa bờ đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đây là việc làm rất cần thiết nhằm đảm bảo quản lý tốt tàu cá trong hoạt động khai thác biển và thông suốt về thông tin liên lạc, chủ động trong việc quản lý ngư trường, kêu gọi tàu thuyền vào bờ khi có thiên tai...
Ông Nguyễn Văn Phỉnh, Khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm là chủ tàu khai thác xa bờ, hoạt động thường xuyên trên biển và thường ở các ngư trường giáp nước bạn, làm ăn rất hiệu quả. Chính vì vậy, ông Phỉnh sẵn sàng chi hơn 45 triệu đồng lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để theo dõi hoạt động của tàu mình mọi lúc, mọi nơi. Điểm quan trọng là có thể điện thoại thông qua thiết bị này để liên lạc trực tiếp, chỉ đạo cho ngư phủ làm ăn. Rồi cập nhật mọi thông tin về thời tiết, thị trường... Thiết bị này còn giúp ngành chuyên môn quản lý, định vị khi tàu hoạt động.
Đây là việc làm cần thiết đối với tàu khai thác biển xa bờ. Tuy nhiên, đối với đặc thù của huyện Phú Tân, phần lớn tàu cá làm nghề đáy hàng khơi hoặc khai thác gần bờ, đi về trong ngày nên nhiều ngư dân cho rằng có thể chủ động trong công tác thông tin liên lạc, chưa đồng tình việc lắp đặt thiết bị do tốn kém chi phí.
Ngại chi phí
Ông Nguyễn Chí Hiểu, Khóm 3, thị trấn Cái Đôi Vàm, làm nghề đáy hàng khơi, đưa ra nhiều nguyên nhân vì sao ông chưa lắp đặt thiết bị giám sát, theo dõi tàu cá. Bởi phương tiện của ông và nhiều ngư dân ở đây chỉ hoạt động gần bờ, tầm 17-18 hải lý trở lại. Trong khi tàu làm nghề đáy hàng khơi và hoạt động theo từng mùa, thu nhập hết sức bấp bênh nên chi phí cho lắp đặt thiết bị là một trở ngại lớn. Do gần bờ, ngư dân luôn chủ động trong việc đi về, thông tin qua điện thoại, máy bộ đàm. Chính từ đó, theo ông Hiểu, việc lắp đặt thiết bị này đối với tàu hoạt động gần bờ là chưa cần thiết.
Huyện Phú Tân hiện có 525 tàu khai thác biển lớn nhỏ đang hoạt động. Trong đó, công suất từ 90 CV trở lên chiếm hơn 20%, từ 20-90 CV chiếm 50%, gần 30% còn lại là tàu dưới 20 CV.
Trong số này, tàu hoạt động ven bờ chiếm khoảng 80%. Do điều kiện của huyện Phú Tân cũng như khả năng của ngư dân nên nhiều phương tiện dù có công suất khá lớn nhưng hầu hết hoạt động gần bờ. Đối với các tàu làm nghề lưới, đáy hàng khơi... tuy công suất lớn và kích thước vượt ngưỡng quy định nhưng cũng hoạt động gần bờ.
Theo quy định, tàu cá có kích thước 15 m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tính theo kích thước này thì số tàu phải lắp đặt thiết bị giám sát, theo dõi ở huyện Phú Tân rất nhiều và chi phí lắp đặt chính là rào cản lớn của nhiều ngư dân.
Theo ông Trần Quốc Yên, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp các ngành tuyên truyền cho ngư dân, đồng thời cùng với các xã, thị trấn rà soát, phân loại từng phương tiện, ngành nghề cụ thể để đề xuất Sở NN&PTNT, UBND tỉnh có giải pháp, nhằm giảm khó khăn cho chủ tàu khai thác ven bờ, nhưng vẫn đảm bảo thực hiện tốt chủ trương đề ra.