Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My - ông Huỳnh Ngọc Thiệu đánh giá, nuôi cá những năm đầu, người dân đạt lợi nhuận tương đối cao. Các loại cá như chình, thác lác,... được nuôi ở lòng hồ cho giá trị kinh tế cao, hầu như cung không đủ cầu; hoàn toàn khác xa với nuôi cá diêu hồng đang gặp khó khăn về đầu ra. Tương tự, người dân ở cá xã Tà Pơơ, Zuôih (Nam Giang) cũng đang tự phát nuôi cá lồng bè nhỏ lẻ ở lòng hồ thủy điện Sông Bung 4. Theo chủ hồ đập thủy điện Sông Bung 4, đến nay có 3 hộ nuôi với 18 lồng bè.
Ngoài các hộ nuôi cá lồng bè, hiện có nhiều hộ dân cải thiện sinh kế với nghề đánh bắt cá trong lòng hồ. Trong khi đó, loại hình du lịch với sản phẩm du thuyền ngắm cảnh, tham quan thác nước, các đảo nổi, câu cá, du lịch cộng đồng… mới ở giai đoạn khảo sát, tiếp cận đầu tư.
Theo Sở NN&PTNT, đến năm 2030, lòng hồ các thủy điện trên địa bàn tỉnh được quy hoạch đạt 2.800 lồng nuôi cá, với sản lượng 3.600 tấn thủy sản. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 23 hộ dân đang thả nuôi cá lồng bè thương phẩm với tổng số 240 lồng nuôi, chủ yếu tập trung ở hồ thủy điện Sông Tranh 2.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - ông Lê Minh Hưng cho biết, trên địa bàn tỉnh có 6 hồ thủy điện lớn đưa vào vận hành với tổng diện tích mặt nước hơn 6.000ha được phép khai thác, nuôi cá lồng bè trong lòng hồ, gồm A Vương, Sông Côn 2 (Đông Giang), Sông Bung 4 (Nam Giang), Đắk Mi 4 (Phước Sơn), Sông Tranh 2 (Bắc Trà My) và Khe Diên (Nông Sơn).
Ngành nông nghiệp huyện Bắc Trà My cho rằng, hầu hết người dân đều nuôi manh mún, nhỏ lẻ, chưa nắm kỹ thuật nuôi bài bản. Vì vậy, cần thu hút doanh nghiệp nuôi cá lồng bè quy mô lớn, kết nối rộng rãi với các hộ nuôi nhỏ lẻ. “Hiện nay, các chính sách hỗ trợ vẫn chậm triển khai đến người dân, nên chính quyền tỉnh cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ người dân phát triển mô hình nuôi cá lồng bè, qua đó hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, tạo ra những vùng nuôi quy mô lớn” - ông Thiệu đề xuất.