Trong đợt kiểm tra lần thứ 4, đoàn thanh tra cũng đề nghị kiểm soát, không để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Không để tàu mất kết nối 10 ngày, không để tàu "3 không" như không đăng kiểm, không đăng ký, không giấy phép.
Đoàn cũng tiếp tục khuyến nghị Việt Nam cần phải có biện pháp xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân tại địa phương không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các doanh nghiệp làm ăn phi pháp.
Đồng thời, đoàn đã khuyến nghị các địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật thủy sản, đặc biệt quy định về thiết bị giám sát hành trình (VMS), đăng ký, cấp phép, đánh dấu tàu cá tạo sự chuyển biến trên thực tế. Đồng thời kiên quyết xử phạt triệt để các hành vi vi phạm khai thác IUU.
Hiện nay, Quảng Ngãi sẵn sàng đón đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu và xem đây là cơ hội để Việt Nam gỡ thẻ vàng thủy sản. Trong thời gian qua, các địa phương ven biển Quảng Ngãi đã tuyên truyền và mạnh tay kiểm tra, xử lý tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác), cấm ra khơi. Không để các tàu vi phạm IUU, nhất là vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài.
Lực lượng biên phòng liên tục kiểm tra, yêu cầu chủ tàu cá khai thác vùng biển xa bờ ở Hoàng Sa, Trường Sa và các ngư trường khác trước khi xuất bến phải kiểm tra kỹ thiết bị giám sát hành trình và các thiết bị theo quy định, đảm bảo kết nối "biển - bờ" xuyên suốt thời gian hoạt động trên biển.
Tất cả các tàu muốn xuất bến phải trang bị đầy đủ thiết bị định vị, giám sát hành trình, tuân thủ các quy định IUU mà EC đưa ra. Qua rà soát, Quảng Ngãi kiên quyết xử lý mạnh tay với các tàu bất ngờ mất kết nối thiết bị giám sát hành trình. Có chủ tàu bị phạt hàng tỉ đồng vì lỗi này.
Ngư dân Phạm Duy Lân, chủ tàu cá QNg-907.11 đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, nói: "Ngư dân tuyệt đối tuân thủ, thiết bị giám sát hành trình luôn bật trong quá trình khai thác. Bởi nếu tắt thiết bị này sẽ bị phạt rất nặng. Vì tắt chỉ có xâm phạm vùng biển nước khác, nên không ai dám không tuân thủ".
Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá
Phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ có hơn 400 tàu cá, trong đó 252 phương tiện dài trên 15m, đánh bắt xa bờ. Hiện nay, có 10 tàu cá thuộc diện rà soát nguy cơ cao vi phạm IUU. Địa phương phối hợp biên phòng cho ký cam kết. Hướng dẫn chủ tàu đăng ký, đăng kiểm để được cấp giấy phép khai thác. Ông Huỳnh Xuân Bình, phó chủ tịch UBND phường Phổ Quang, nói "với quyết tâm gỡ thẻ vàng thủy sản, chúng tôi yêu cầu chủ tàu chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và xóa bỏ tàu "3 không" hoạt động".
Theo thống kê, Quảng Ngãi hiện có gần 4.300 tàu cá, 100% tàu cá đã được cập nhật dữ liệu vào ứng dụng cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết việc đưa vào quản lý tàu cá triệt để không chỉ là nỗ lực gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam mà còn hướng đến nghề cá có trách nhiệm, sự phát triển bền vững.
Ông Hồ Trọng Phương, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, cho biết với những nỗ lực trong thời gian dài, Quảng Ngãi sẵn sàng đón đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu. "Hy vọng trong đợt kiểm tra lần 5 này, đoàn thanh tra của EC sẽ thấy rõ nỗ lực của Quảng Ngãi và cả nước. Từ đây, thấy rõ nỗ lực chống khai thác IUU và gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản Việt Nam", ông Phương nói.
Dự kiến cuối tháng 4, đoàn thanh tra EC sẽ làm việc tại Quảng Ngãi. Dù đã kiên quyết xử lý trong thời gian qua, nhưng UBND tỉnh Quảng Ngãi vẫn tiếp tục yêu cầu UBND các huyện Lý Sơn, Bình Sơn, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ và TP Quảng Ngãi xây dựng kế hoạch quản lý đối với nhóm tàu cá có nguy cơ cao về vi phạm khai thác IUU.
Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ đối với những tàu cá "3 không", kiên quyết không để các tàu này hoạt động khi chưa hoàn thành lắp các thiết bị theo quy định.