Việc người dân tự phát cắm cọc, quây bãi, lấn chiếm bãi triều đã ảnh hưởng đến luồng lạch lưu thông qua lại của tàu, thuyền, xâm hại đến rừng phòng hộ, ảnh hưởng đến việc khai thác hải sản tự nhiên của người dân địa phương. Không chỉ bãi triều Móng Cái, bãi triều tự nhiên ở huyện Hải Hà - cách đó không xa còn diễn ra tình cảnh, người dân muốn xuống bãi triều bắt sá sùng phải “nộp tô” cho những đối tượng “bảo kê”.
Dân vô tư cắm cọc, chiếm bãi
Theo phản ánh của người dân, nhiều năm nay, trên địa bàn xã Vĩnh Trung (Móng Cái) đã xảy ra tình trạng người dân tự ý cắm cọc, quây bãi triều ven biển để nuôi trồng thủy sản. Tình trạng này đang diễn ra ồ ạt và có nguy cơ lan rộng, trong khi chính quyền địa phương và các ngành chức năng của TP.Móng Cái dường như bất lực, chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Tình trạng trên bộc phát từ năm 2015, khi một vài hộ nuôi tu hài, con 2 cùi cho hiệu quả kinh tế khá cao thì rất nhiều hộ dân tại địa phương và một số người nơi khác cũng đổ xô ra bãi triều cắm cọc, đổ cát một cách vô tội vạ, mặc cho sự khuyến cáo của chính quyền sở tại về khu vực vùng nuôi Bãi Tùng hiện chưa được quy hoạch là khu nuôi trồng thủy sản. Việc lấn chiếm trái phép hàng trăm hécta mặt nước không chỉ gây ra tình trạng lộn xộn mà còn làm ảnh hưởng đến sự đi lại của các phương tiện giao thông thủy ở đây.
Đại diện xã Vĩnh Trung, cho biết: Diện tích bãi triều của xã Vĩnh Trung hiện có 1.460 ha. Trong tháng 3 và 4.2018, xã đã tổ chức kiểm tra thực tế tại các bãi triều và khu vực Bãi Đai thấy tình trạng các hộ dân cắm cọc, quây bãi, chiếm bãi với diện tích ngày càng nhiều hơn, lén lút đổ trộm cát xuống bãi để thả nuôi. Xã thống kê có 43 hộ dân chiếm bãi trái phép để nuôi thủy sản. Trong số đó, có nhiều hộ gửi đơn đến chính quyền địa phương đề nghị xin được nuôi nhuyễn thể tại các bãi triều nhưng chưa được chấp thuận do khu vực này chưa được quy hoạch nuôi trồng thủy sản.
Trước thực trạng này, ngày 16.6, UBND TP.Móng Cái đã có buổi làm việc với xã Vĩnh Trung. Chủ tịch UBND TP.Móng Cái Vũ Văn Kinh khẳng định: Hiện tượng người dân tự lấn chiếm bãi triều ven biển để nuôi trồng thủy sản đang diễn ra và có nguy cơ lan rộng. 100% các hộ nuôi đều tự phát, không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Tại buổi làm việc, lãnh đạo TP.Móng Cái phê bình Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trung và yêu cầu xã này kiểm điểm trách nhiệm về việc không kịp thời xử lý, ngăn chặn và báo cáo cấp trên, dẫn đến sự phức tạp, khó giải quyết như hiện nay. Lãnh đạo TP.Móng Cái cũng chỉ ra trách nhiệm buông lỏng quản lý địa bàn vùng nước của Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Vạn Gia khi để cho các tàu chở cát xốp, giống thủy sản không rõ nguồn gốc ra vào tự do, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
TP.Móng Cái cũng yêu cầu phải thông báo đến các hộ dân lấn chiếm mặt nước về việc “100% hộ nuôi phải ký cam kết giữ nguyên hiện trạng đến hết năm 2018, sau đó tự tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu cho đất rừng phòng hộ, luồng lạch giao thông đường thủy” - ông Kinh nói.
Cả trăm héc - ta bãi triều tại xã Vĩnh Trung đã bị người dân tự ý cắm cọc, quây bãi để nuôi trồng thủy sản. Ảnh: T.N.D
Muốn bắt sá sùng thì phải “nộp tô”
Cũng theo phản ánh của người dân, dù không nằm trong vùng quy hoạch nuôi ngao - nghêu của huyện Hải Hà, nhưng hàng trăm hécta bãi triều khu vực đánh bắt tự nhiên thuộc xã Phú Hải đã bị đóng cọc, quây lưới làm nơi nuôi thả. Rất nhiều khu vực trên đó cắm vài cọc tre để đánh dấu chủ quyền. Ai muốn vào đây đánh bắt sá sùng phải “nộp tô”, hoặc bán lại cho chủ bãi với giá rẻ mạt, nếu không chấp nhận sẽ bị hành hung ngay lập tức.
Anh Nguyễn Văn Đông (thôn 1, xã Quảng Trung, huyện Hải Hà) phản ánh: Bãi triều Phú Hải bao năm nay người dân các vùng lân cận vẫn ra đây làm nghề đào sá sùng, cào ngao. Nhưng khoảng từ 3 năm nay, diện tích đánh bắt tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, vì các ông chủ nuôi ngao lấn chiếm. “Trường hợp mới nhất cách đây gần 1 tháng, chính tôi bị 1 ông chủ bãi lao xe máy vào người, rồi nhảy xuống đánh đấm. Một số người khác cũng bị đánh như vậy vì bị cho là vào khu vực bãi của họ đào sá sùng” - anh Đông bức xúc.
Việc một số người tự ý lấn chiếm bãi triều để “thu tô” diễn ra nhiều năm nay, người dân cũng đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp chính quyền nhưng không được giải quyết. “Có phải chính quyền bao che cho nhưng người này chiếm bãi?” - một người dân đặt câu hỏi. Trước tình trạng này, huyện Hải Hà đã tổ chức đoàn kiểm tra và tiến hành nhổ cọc, cắt lưới đối với một số bãi lấn chiếm trái phép. Nhưng ngay sau khi lực lượng chức năng rời khỏi bãi triều thì các chủ bãi lại cắm cọc, quây lại “địa giới” trái phép.
Trả lời 1 tờ báo mới đây, ông Phạm Văn Minh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Hải - cho biết: Diện tích nuôi trồng thủy sản trên bãi triều của xã Phú Hải được quy hoạch năm 2007 là 410,6ha, Hiện trên địa bàn xã có 64 hộ nuôi trồng thủy sản với diện tích 213,45ha, trong đó có 45 hộ nuôi trong vùng quy hoạch với diện tích 184,5ha. Tuy nhiên, điều quan trọng là lãnh đạo xã này cũng không nắm rõ được số diện tích mặt nước bãi triều bị các hộ lấn chiếm trái phép là bao nhiêu đã cho thấy vai trò quản lý của chính quyền bị buông lỏng, khiến nhiều người vô tư lấn chiếm trái phép (?).