Tổ công tác phòng, chống dịch bệnh thành phố đã tổ chức tiêu huỷ 40,09ha tôm nuôi của 69 hộ nuôi. Đến thời điểm hiện tại, tình hình tôm nuôi đã ổn định, diện tích tôm bị bệnh đã giảm đáng kể. Trước đó, cuối tháng 4-2017, tại 9 xã, phường: Quảng Nghĩa, Hải Tiến, Hải Đông, Hải Yên, Ninh Dương, Vạn Ninh, Hải Hoà, Trà Cổ và Bình Ngọc rải rác có hiện tượng tôm nuôi bị chết do dịch bệnh.
Trước tình hình đó, TP Móng Cái đã ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND về phòng, chống dịch cho động vật, thuỷ sản nuôi năm 2017; thành lập Ban chỉ đạo, tổ xử lý ổ dịch; ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các xã, phường trong công tác quản lý, tổ chức sản xuất, phòng chống dịch bệnh thuỷ sản nói chung, tôm nuôi nói riêng. Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) đã có các văn bản hướng dẫn, phối hợp, chỉ đạo; công khai danh sách, số điện thoại cán bộ thú y thuỷ sản phụ trách địa bàn; cử 1 cán bộ “nằm vùng”, trực tiếp phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố triển khai các hoạt động kiểm dịch, giám sát chủ động, điều tra, xử lý các ổ dịch khi mới phát hiện; đề xuất Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) hỗ trợ điều tra, nghiên cứu đặc điểm dịch tễ, áp dụng thử quy chuẩn phòng chống dịch bệnh đốm trắng, hoại tử gan tuỵ cấp tính trên tôm nuôi tại 5 hộ ở Vạn Ninh, Ninh Dương và Hải Hoà. Chi cục còn phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố tổ chức 2 lớp tập huấn về cách nhận biết, biện pháp phòng chống một số loại bệnh dịch nguy hiểm trên tôm nuôi cho gần 60 hộ nông dân; tập huấn nghiệp vụ thú y thuỷ sản cho 6 cán bộ thú y các xã, phường, bao gồm các nghiệp vụ thu mẫu kiểm tra chất lượng, dư lượng chất cấm trong thuốc thú y thuỷ sản, thu mẫu tái kiểm dịch một số lô giống nhập từ tỉnh ngoài, không có phiếu xét nghiệm bệnh dịch kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch; tổ chức 2 đợt kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi tại một số xã trọng điểm nuôi tôm tại TP Móng Cái. Hằng tháng Phòng Kinh tế thành phố phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y duy trì thường xuyên việc tổ chức lấy mẫu tôm, mẫu đất, mẫu nước để quan trắc môi trường dịch bệnh cho tôm. Kết quả phân tích được thông báo đầy đủ đến cơ sở nuôi và có khuyến cáo cho người nuôi phòng, chống, tiêu huỷ kịp thời.
Nguyên nhân bùng phát dịch bệnh
Ông Thiều Văn Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết: Qua kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi tại TP Móng Cái cho thấy, một phần nguyên nhân xảy ra dịch bệnh là trong quá trình nuôi tôm công tác kiểm tra, giám sát việc mua giống và thả giống thuỷ sản của nhân dân chưa được quản lý chặt chẽ, một số hộ còn chủ quan trong việc phòng chống dịch bệnh, dẫn đến bệnh trên tôm năm nay xuất hiện sớm so cùng kỳ tại một số xã, phường.
Cùng với đó, đầu mùa vụ thả nuôi thời tiết không ổn định, diễn biến bất thường, biên độ nhiệt ngày đêm lớn (lúc nóng, lúc lạnh, trời âm u, không có mưa...) gây ảnh hưởng đến sức đề kháng của tôm nuôi. Thời tiết không thuận lợi đã tạo điều kiện cho một số vi khuẩn phát triển trong môi trường nước, đã trực tiếp gây bệnh cho tôm nuôi (đặc biệt là bệnh hoại tử gan tuỵ cấp, là loại bệnh gây chết sớm ở tôm nuôi), gây tôm nuôi bị chậm lớn.
Một số hộ nuôi mua giống tôm không được kiểm nghiệm, kiểm dịch, do đó tôm giống mang mầm bệnh trong cơ thể từ nhỏ, khi gặp thời tiết không ổn định, thay đổi thất thường sẽ bùng phát bệnh, gây tôm chết, đặc biệt là loại bệnh virus đốm trắng. Ý thức của một số người nuôi tôm trong công tác phòng chống dịch bệnh còn hạn chế, chủ quan.
Việc nuôi tôm tự phát là chính, đầu tư cơ sở hạ tầng không đồng bộ, dẫn đến việc xả thải ra khu vực dùng chung, nên việc phòng chống bệnh trên tôm rất khó khăn.