Xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh có tổng diện tích nuôi tôm khoảng 169 ha, tập trung ở 4 thôn: Phan Hiền, Huỳnh Xá Hạ, Huỳnh Xá Thượng và Tiên An. Từ ngày 25/5/2018, các hồ nuôi tôm ở 2 thôn Phan Hiền và Huỳnh Xá Hạ bắt đầu bị dịch bệnh, làm tôm chết hàng loạt. Gặp chúng tôi trong lúc dùng thuốc Chlorine để xử lý nguồn nước, hạn chế dịch bệnh lây lan trên hồ tôm, anh Trần Văn Dụng, Trưởng ban nuôi trồng thủy sản thôn Phan Hiền nói: “Nhà tôi bị dịch 1 hồ nuôi với diện tích 4.000 m2. Dấu hiệu nhận biết tôm bị dịch bệnh là tôm bỏ ăn, bơi lờ đờ và chết hàng loạt. Hiện tại, toàn thôn bị dịch bệnh khoảng 12 ha với 30 hộ. Thôn Phan Hiền là nơi bị thiệt hại nặng nhất với diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh lớn; trong đó có hộ anh Trần Hữu Diện có 2 hồ tôm với 8.000 m2 bị dịch bệnh, hộ anh Trần Hữu Long cũng bị dịch bệnh 2 hồ với diện tích 10.000 m2… Những hộ này đều nuôi tôm sú”. Anh Dụng cho biết thêm, vào thời điểm này năm ngoái, dịch bệnh cũng diễn ra nhưng lây lan nhanh hơn và rộng hơn, trên 25 ha với 70 hộ. Năm nay, nhờ công tác dập dịch được triển khai nhanh chóng nên dịch bệnh không lây lan trên diện rộng. Đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh đã được khống chế. “Theo lịch thời vụ, khoảng 1 tháng nữa, người nuôi tôm ở Vĩnh Linh sẽ thu hoạch. Với tình hình hiện tại thu hoạch thì lỗ, nhưng nếu trong vòng 20 ngày tới, dịch được dập hoàn toàn thì tôm sẽ tiếp tục phát triển và người dân có thể thu lại được vốn”, anh Dụng chia sẻ.
Ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho biết, đến thời điểm hiện tại, diện tích tôm nuôi bị bệnh trên địa bàn xã là 14 ha với 36 hộ nuôi, tập trung ở 2 thôn Phan Hiền và Huỳnh Xá Hạ. Sau khi tôm bị dịch bệnh, người dân đã nhanh chóng báo với chính quyền địa phương. Tiếp đó, xã gửi báo cáo tình hình lên huyện và trạm thú y để kịp thời có phương án dập dịch hiệu quả. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, kịp thời của người dân và cơ quan chức năng nên đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh đã được khống chế, không lây lan mạnh như năm ngoái. Hiện, chính quyền địa phương và người dân đang tiếp tục theo dõi và dập dịch.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm 2018 đến nay, dịch bệnh trên tôm nuôi đã xảy ra ở 7 xã của 3 huyện với tổng diện tích bị bệnh gần 48 ha. Kết quả xét nghiệm, tất cả các hồ nuôi tôm đều bị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính và đốm trắng. Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với các bệnh nguy hiểm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chỉ đạo, phối hợp với các Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện kịp thời cấp 2.080 kg hóa chất Chlorine cho các hộ nuôi tôm.
Nói về nguyên nhân và biện pháp dập dịch, ông Phan Văn Hòa, Chi cục phó Chi cục Thủy sản cho biết, nguyên nhân xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi chủ yếu do hệ thống ao đã nuôi nhiều năm nên mầm bệnh tồn tại trong hồ, cộng với công tác xử lý ao hồ trước vụ nuôi chưa triệt để nên khi gặp các yếu tố môi trường bất lợi thì dịch bệnh dễ bùng phát. Nguyên nhân thứ hai là vào thời điểm tháng 5- 6, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, buổi chiều thường hay mưa rào làm cho môi trường ao nuôi bị dao động mạnh nên các khí độc trong ao vượt ngưỡng cho phép, dẫn đến dịch bệnh…
Để hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi, công tác phòng bệnh là chủ yếu. Hằng năm, trước khi vào vụ nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành các công văn chỉ đạo về hướng dẫn khung lịch thời vụ thả giống, chọn con giống ở nơi sản xuất có uy tín, có dấu kiểm dịch nhằm hạn chế dịch bệnh, hướng dẫn các biện pháp xử lý ao hồ, cải tạo nguồn nước. Khi dịch bệnh xảy ra, Chi cục Chăn nuôi thú y cử cán bộ kỹ thuật phối hợp cán bộ chuyên môn địa phương nắm bắt tình hình, triển khai các biện pháp khống chế dịch, lấy mẫu bệnh phẩm để kiểm tra mầm bệnh. Khi có kết quả dương tính với các mầm bệnh nguy hiểm thì kịp thời hỗ trợ hóa chất Chlorine để dập dịch. Về phía Chi cục Thủy sản, đã ban hành các biện pháp phòng trừ bệnh hoại tử gan tụy cấp tính và đốm trắng như: Phun khử trùng bờ ao nuôi bằng hóa chất khử trùng; hạn chế người đi vào cơ sở nuôi, trường hợp phải vào ao thì cần thay áo quần và lội qua bể nước khử trùng; tuyệt đối không lấy thêm nước từ ngoài hệ thống cấp nước chung vào ao nuôi khi chưa xác định được nguồn nước an toàn; định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước, kiểm soát mật độ tảo, ổn định pH…; sử dụng vôi bột rải xung quanh bờ ao, đóng chặt cống cấp nước và thoát nước; thường xuyên duy trì và ổn định môi trường ao nuôi và nâng cao sức đề kháng cho tôm theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Về giải pháp lâu dài, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các địa phương xây dựng một số mô hình nuôi tôm mới như ứng dụng công nghệ sinh học vào nuôi tôm nhằm hạn chế sử dụng hóa chất nuôi tôm, tăng chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm tôm sạch; mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn nhằm tăng sức đề kháng cho tôm, hạn chế dịch bệnh. Hiện nay, tại mỗi huyện đều đã triển khai xây dựng được những mô hình này.
Ông Hòa cũng khuyến cáo đối với các cơ sở nuôi tôm cần tăng cường công tác quản lý cộng đồng, tuyệt đối không để các hộ nuôi tôm gần kề bị dịch bệnh xả nước ra môi trường. Các hộ nuôi tôm không nên nuôi tôm hết diện tích có sẵn mà cần dành lại 30-50% diện tích mặt nước để làm ao xử lý nước thải. Tránh tình trạng khi có dịch bệnh xảy ra, bơm nước từ ngoài vào sẽ lây lan dịch bệnh. Đối với những vùng thường xuyên bị dịch bệnh, người nuôi cần chuyển sang nuôi xen ghép giữa tôm, cá, cua để hạn chế dịch bệnh. Trong thời gian tới, Chi cục Thủy sản sẽ tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh phê duyệt chương trình quan trắc và cảnh báo môi trường trong nuôi tôm để cung cấp cho người dân các thông tin cần thiết.