Vài ngày sau khi cơn bão đi qua, trời trong xanh trở lại, biển cũng êm hơn. Mấy hôm nay, lão ngư Dương Minh Lưu, trú tại thôn Nam Sơn, xã Trung Giang cứ thắc thỏm, dõi theo con nước. Sáng ấy, lão thấy mặt nước gần bờ nổi nhiều mún nước li ti và chuyển màu đỏ quạch. Mắt lão vụt sáng, nhoẻn miệng cười rồi gọi người bạn đồng niên: “Đem theo mức nhé! Ruốc vào nhiều lắm!”.
Chừng 9 giờ sáng một ngày cuối tháng 8 âm lịch, bãi biển thôn Nam Sơn nhộn nhịp những người là người. Trên đường quốc phòng, nhiều tiểu thương, phụ nữ tật bật rửa ruốc, cân ruốc, phơi ruốc. Tiếng nói cười râm ran. Còn dưới biển, ngay sát mép nước, hàng chục người đàn ông phơi những tấm lưng vạm vỡ lên trời, mặt cúi sát mặt nước, vận hết sức lực và sự khéo léo được tôi luyện bao năm bám biển để kéo mức đi song song mép nước. Từng đợt sóng nối tiếp nhau vỗ vào bờ cát, họ cố bám chân thật chắc xuống lớp cát mịn để khỏi bị cuối theo dòng hải lưu. Cứ đi được chừng vài chục mét, họ lại kéo mức vào bờ để thu ruốc.
Những ngày qua, ngư dân dọc biển bãi ngang huyện Gio Linh rất phấn khởi vì được mùa ruốc. ông Lưu cũng thế, tận dụng hết thời gian có được để kéo ruốc. “Bởi, không phải lúc nào ruốc cũng được mùa. Cả năm chỉ có vài tháng thôi”, ông nói. Ruốc là một loài giáp xác nhỏ, thường sinh sống gần bờ biển. Theo đặc tính, ruốc thường xuất hiện nhiều ở vùng gần bờ khi con nước thay đổi từ đầy sang cạn hoặc ngược lại. Những ngày này, biển êm trở lại sau những ngày động nên ruốc vào bờ nhiều đến “đỏ nước”. “2 hôm nay, một ngày, tôi và người bạn kéo được khoảng 2 tạ ruốc tươi. Những người khác may mắn hơn thì kéo được 5-6 tạ”, ông Lưu phấn khởi.
Ông bật mí thêm, để kéo được ruốc, ngư dân vùng biển bãi ngang thường đánh giã cách bờ vài trăm mét hoặc kéo mức gần trong bờ. Đánh giã phải đi bằng thuyền. Trước thuyền có hai chiếc sào tre dài, nối đoạn lưới ở giữa. Mỗi khi gặp ruốc nhảy lên mặt nước thì hạ 2 sào tre và tấm lưới xuống nước múc ruốc lên. Còn kéo mức thì 2 người dùng sức giữ 2 đoạn sào chừng 1 mét, nối với rọ lưới hình chữ “Y” rồi đi dọc bờ cát. Những gia đình có thuyền sẽ thu được nhiều ruốc hơn. Còn những người không có thuyền như ông Lưu phải kéo ruốc bằng mức.
Ruốc sau khi đưa lên bờ sẽ được phơi khô hoặc chế biến thành ruốc khuyếc. Cứ 4 kg ruốc tươi thì phơi được khoảng 1,5 kg ruốc khô. Ruốc khô và ruốc khuyếc được bán cho các thương lái hoặc người có nhu cầu với giá khoảng 60 ngàn đồng/kg. Ruốc có thể được chế biến thành nhiều món ăn dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn, được nhiều thực khách đó đây ưa chuộng. Ruốc khô dùng để các bà, các mẹ nấu canh hoặc rim đường, xào tỏi ớt… Còn ruốc khuyếc dùng để làm gia vị nêm nếm trong các bữa ăn hoặc dùng làm nước chấm. Đặc biệt, trong các món ăn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế của người Huế, ruốc trở thành gia vị không thể thiếu.
Những ai lần đầu ăn thử ruốc có thể sẽ thấy lạ miệng bởi ruốc có vị ngọt thanh, độ mặn vừa phải và thơm nhẹ. Nhưng đối với những người con miền biển như lão Lưu, ruốc là hương vị không thể thiếu trong mỗi bữa ăn. Và không chỉ gói gọn nơi miền đầu sóng, nay ruốc được chế biến, đóng gói sạch sẽ, đẹp đẽ để theo chân các khách du lịch đến những miền đất mới trên khắp dải đất nước Việt, thậm chí xuất ngoại.
Đối với ông Lưu và nhiều ngư dân nơi miền biễn bãi ngang trên địa bàn tỉnh, quãng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 âm lịch hằng năm là lúc tất bật với công việc kéo ruốc. Tuy mệt vì suốt ngày dãi dầu dưới cái nắng bỏng rát quyện hòa vào hơi muối mặn chát, nhưng ông vui bởi mỗi ngày có thêm vài triệu đồng để chăm lo cho gia đình, cải thiện cuộc sống.