Để từng bước khắc phục hậu quả, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh tập trung vào việc chuyển đổi sinh kế cho nhân dân vùng biển một cách hiệu quả và bền vững. Mục tiêu cụ thể cần hướng tới là tích cực chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với hệ sinh thái vùng ven biển. Xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao trên vùng cát ven biển. Phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững gắn với công tác quản lý môi trường và kiểm soát dịch bệnh. Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cả nông nghiệp, thủy sản, du lịch, dịch vụ, xây dựng mới và củng cố hệ thống các công trình thủy lợi hiện có nhằm đảm bảo cấp đủ nước cho sản xuất, kết hợp ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển các tổ, đội tàu, thuyền đánh bắt trung và xa bờ, phấn đấu đến năm 2020 chuyển đổi trên 50% tàu thuyền khai thác có công suất từ 20CV đến dưới 90CV lên công suất trên 90 CV và đóng mới trên 100 tàu cá có công suất trên 90CV; từng bước chuyển đổi nghề khai thác cá tầng đáy. Tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng để phát triển sản xuất, dịch vụ, nhất là phát triển chế biến thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ du lịch. Chuyển đổi nghề cho lao động gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và sắp xếp, bố trí sản xuất ở các xã, thị trấn vùng biển. Hàng năm đào tạo nghề mới cho khoảng 800 đến 1.000 lao động cần chuyển đổi nghề nghiệp.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, trước hết, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, ổn định tư tưởng cho nhân dân, ngăn ngừa các biểu hiện cực đoan, giúp nhân dân hiểu và tin tưởng vào các giải pháp xử lý của Đảng và Nhà nước sau sự cố ô nhiễm môi trường biển vừa qua.
Các ngành, địa phương chủ động rà soát quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội đã được phê duyệt để có sự điều chỉnh hợp lý và thiết thực. Chú ý quy hoạch các làng sinh thái, các khu sản xuất, chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, có điều kiện chủ động nguồn nước tưới, các nơi có khả năng xây dựng khu công nghiệp kỹ thuật cao. Từng bước hình thành các vùng chuyên canh tập trung, phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo hướng tổng hợp, gắn với quy hoạch và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là diện tích đất trống, đất quy hoạch nhưng chưa sử dụng để giao đất cho người dân tổ chức sản xuất có thời hạn. Rà soát quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết Khu kinh tế Đông-Nam, tạo điều kiện cho nhân dân các xã vùng biển chuyển đổi sinh kế cả trước mắt và lâu dài. Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch các khu dân cư các xã vùng biển theo hướng di dời nhân dân vùng biển bãi ngang không có điều kiện chuyển đổi sang đánh bắt trung bờ và xa bờ đến nơi ở mới gắn với tạo việc làm mới từ các dự án đầu tư.
Tiến hành rà soát, đánh giá thiệt hại; xây dựng phương án hỗ trợ thiệt hại đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Các cấp ủy đảng, chính quyền các xã, thị trấn ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp sự cố ô nhiễm môi trường biển tập trung nghiên cứu, xây dựng phương án chuyển đổi sinh kế cho người dân vùng ven biển phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị định số 67/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế biển, chính sách ưu tiên đối với các địa phương bị ảnh hưởng do sự cố ô nhiễm môi trường biển. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi, nguồn hỗ trợ lãi suất để giúp ngư dân nâng cấp, đóng mới tàu có công suất lớn và chuyển đổi nghề nghiệp. Tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm hỗ trợ nguồn lực giúp đỡ người dân ven biển Quảng Trị chuyển đổi sinh kế, tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống và phát triển sản xuất.
Tích cực thực hiện công tác đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ. Các cơ quan có liên quan điều tra, khảo sát, nắm bắt nhu cầu việc làm của người dân các xã, thị trấn vùng biển để có phương án hỗ trợ đào tạo, giới thiệu việc làm trong tỉnh, trong nước cho các doanh nghiệp, nhất là các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh tuyển dụng lao động. Ưu tiên, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động vùng biển gắn với các chương trình xuất khẩu lao động phù hợp khả năng chuyển đổi nghề nghiệp. Tổ chức đào tạo các kỹ năng và cấp chứng chỉ cho ngư dân tham gia khai thác xa bờ, đào tạo các nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, chế biến, dịch vụ địa phương có nhu cầu. Nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân, ngư dân các xã ven biển thông qua việc tuyên truyền tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất như thâm canh các loại cây trồng truyền thống; chuyển giao các loại giống cây trồng, vật nuôi mới; tưới tiết kiệm nước…
Cần thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chính sách, quy định của Trung ương về hỗ trợ, ưu tiên đối với các địa phương bị ảnh hưởng do sự cố ô nhiễm môi trường biển. Có chính sách hỗ trợ đóng mới, nâng công suất tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá; hỗ trợ hình thành các khu neo đậu, trú bão cho tàu, thuyền; khôi phục ngư trường, môi trường sinh thái biển, nuôi trồng thủy sản vùng ven biển; hỗ trợ thu mua, tạm trữ, tiêu thụ hải sản; phát triển kinh tế hộ gia đình trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; khôi phục dịch vụ, du lịch biển; đầu tư phát triển hạ tầng khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản; hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo việc làm; miễn giảm học phí, hỗ trợ bảo hiểm y tế; và các chính sách hỗ trợ khác….