Chiều muộn, khi mặt trời đang dần xuống núi, người dân trên bờ khép lại một ngày làm việc vất vả, cũng là lúc vợ chồng ông Thái xắn tay vùi đầu vào công việc. Nước da ngăm đen, nhăn nheo hằn theo năm tháng lao động mệt nhọc, mái tóc đã pha đốm bạc, ông Thái bảo: “Cả đời gắn bó nghề sông nước nuôi vợ, nuôi các con ăn học, khi người dân nghỉ ngơi cũng là lúc vợ chồng tôi xắn tay vùi đầu vào công việc thâu đêm”.
Vua săn cá khủng
Ông Thái được người dân biết đến là người rất bản lĩnh, dứt khoát trong công việc nhưng khá vui tính và niềm nở với mọi người. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, bản thân là con thứ 2 trong gia đình, học hết lớp 7/10, Thái phải bỏ ngang vì nhà nghèo.
Tuổi thơ dữ dội, bộn bề lo toan, với sự thông minh của một đứa trẻ vùng sông nước, ngày ngày, Thái ra hồ lặn tìm cua ốc, bắt cá đem về phụ giúp bố mẹ lo bữa cơm ăn qua ngày. “Trước gia đình tôi nghèo lắm, không có một đồng để sắm lưới, thúng đánh cá như bây giờ nên để có cái ăn, ngày nào anh em tôi cũng phải đi lặn xuống đáy sông sâu hàng mươi sải nước để tìm ốc, bắt cá”, ông Thái nhớ lại.
Toàn cảnh đập Yên Mỹ. Theo người dân thì nơi đây có rất nhiều cá nặng 40-50 kg.
Xưa kia, ở hồ đập Yên Mỹ, lượng cá tôm rất nhiều nên cuộc sống đỡ vất vả hơn bây giờ. “Càng ngày cá càng hiếm chứ không như ngày xưa nữa”, ông Thái thở dài. Trong bốn anh em, chỉ còn lại mình ông Thái vẫn bám với nghề sông nước từ trước đến nay. Ngày ngày, khi mặt trời dần khuất núi là lúc vợ chồng ông Thái lại chuẩn bị đồ nghề để bơi xuồng ra hồ đánh cá. “Tầm 5 rưỡi chiều thì chúng tôi bắt đầu thả lưới rồi ngâm cho đến sáng mai thì vớt”, ông Thái chia sẻ.
Được người dân đặt cho biệt danh “vua săn cá khủng” ở hồ đập Yên Mỹ, ông Thái khiêm tốn: “Xưa nay, tôi theo đuổi cái nghề này bao năm, cũng lúc được lúc thua; lúc có cá to, lúc được cá nhỏ chứ chẳng phải cái gì to tát mà được người dân ca ngợi như thế”.
Ngôi nhà của vợ chồng ông Thái.
Ông Thái được biết đến là tay săn được những con cá có trọng lượng lớn từ 20 - 40kg. “Nhiều người cũng đánh cá giống như tôi nhưng chẳng bao giờ may mắn đánh được cá to. Có những lần bắt được cá nặng đến 40 – 50kg rất khỏe mạnh, tôi phải đánh vật với nó, khi cá được đưa lên bè cũng là lúc tôi đã cảm thấy đuối sức.
“Nhớ cách đây vài năm, bắt được cá nặng nửa tạ. Thuyền nhỏ chẳng thắng nổi sức giãy giụa của chúng, tôi phải nhảy xuống nước, ghì tay ôm vật con cá chui lọt vào miệng vợt rồi hùng hục kéo lên thuyền, có những con cá nặng đến nỗi muốn lụt cả thuyền”, ông Thái kể.
Ông Lâm, một người dân cũng làm nghề đánh cá cho biết: “Ở vùng này, chỉ có lão Thái “kẹo” là hay bắt được cá to, ngoài ra tôi chẳng thấy ai bắt được cả, âu cũng là cái duyên với nghề”.
“Nghề này vất vả lắm chứ chẳng chơi, mò mẫm đêm hôm trên sông nước. Trời lặng gió thì không sao chứ nhiều hơn trở gió thuyền rất dễ bị lật, cố mưu sinh cũng chỉ vì muốn kiếm đồng tiền trang trải cuộc sống. Có những ngày kiềm tiền triệu từ bán cá nhưng cũng có đợt không”, ông Thái tâm sự.
Nói về kinh nghiệm, ông Thái chia sẻ, cá xuất hiện nhiều nhất vào mùa đông, dụng cụ đánh cá phải tốt, phù hợp với từng loài cá, môi trường nước khác nhau. “Càng lạnh thì cá rời hang ra kiếm ăn càng nhiều”, ông Thái nói. Không chỉ đánh cá bằng lưới, ông Thái còn có biệt tài huýt sáo dụ cá, “Khi lưới vừa được thả xuống, tiếng huýt sáo của tôi có thể thu hút những con cá nhoi lên kiếm ăn”.
Tình yêu lớn lên từ đôi bờ đập
Hiền lành, siêng năng chịu khó nhưng vì nhà nghèo, cuộc sống bấp bênh trên sông nước nên dù khá đẹp trai nhưng chàng thanh niên Thái ngày đó mãi vẫn không kiếm được ý trung nhân cho mình. Nhiều lúc, Thái tỏ ra cam chịu và chấp nhận cuộc sống đơn độc suốt bao nhiêu năm trời.
Bà Phạm Thị Hương (vợ ông Thái) vui vẻ kể về gia đình và công việc của chồng. “Với tôi, dù nghèo nhưng sống chan hòa nghĩa vợ chồng, con cái thế cũng là niềm hạnh phúc lớn rồi”.
Gần 30 tuổi, Thái quen được Hương, là một cô gái xinh xắn, người ở huyện bên, nhà khá giả. Thiên nhiên hồ đập Yên Mỹ đẹp như một bức tranh thủy mặc khiến ai ai đến thăm cũng không ngớt lời khen. Lần đầu tiên đến đây, tâm hồn Hương bị cuốn đắm chìm trong vẻ đẹp kỳ ảo của thiên nhiên núi đồi, sông nước và lối sống bình dị, chân chất của người dân khiến Hương bị lạc đường về và phải “cầu cứu” người dân bản địa.
“Ngày xưa ở vùng này thiên nhiên đẹp lắm. Tôi vẫn còn nhớ như in cái nét mặt một cô gái ngây thơ, giọng nói trong trẻo, thái độ hoảng hốt khi tìm lại xin tôi chỉ đường về khi tôi đang đánh cá dưới sông. Chẳng hiểu thế nào, sau lần đó, chúng tôi bắt đầu giữ liên lạc với nhau, gặp lại một vài lần rồi nên duyên vợ chồng”, ông Thái vừa kể vừa quay lại nhìn vợ mình, người con gái ngày nào với ánh mắt đầy tình cảm.
Khi mặt trời dần khuất núi cũng là lúc vợ chồng ông Thái bắt đầu quăng lưới, tất bật buổi làm việc mới.
Năm 1994, vợ chồng ông Thái cưới nhau, đến nay họ đã có với nhau 2 người con (1 gái, 1 trai). Con gái đầu tên là Phạm Hằng Nga, hiện đang học Đại học Nông nghiệp Hà Nội năm thứ nhất, con trai út hiện đang học THCS tại địa phương. “Cuộc sống dù vất vả đến mấy nhưng miễn sao con cái được ăn học bằng bạn bằng bè, nhìn thấy chúng trưởng thành là chúng tôi vui rồi”, vợ chồng ông Thái vui vẻ nói.
Chia tay vợ chồng ông Thái, cũng là lúc những tấm lưới vừa được quăng xuống lòng sông đem theo những hi vọng về một ngày mai no đủ…