Vua tôm cũng… chết
Vụ sản xuất năm nay, “Vua tôm” Võ Hồng Ngoãn (ngụ xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) cũng rơi vào cảnh bi đát vì thua lỗ. Ông Ngoãn cho biết, vụ tôm đầu năm 2012, dịch bệnh hoành hành, nhiều lần mua phải thức ăn kém chất lượng khiến ao tôm của ông chết đến 60%, điều mà ông chưa gặp phải trong suốt hơn 10 năm nuôi. Cùng với việc giá tôm hạ tới mức đáy do nhiều nước giảm mua tôm Việt Nam vì tồn dư Ethoxyquin trong sản phẩm, ông Ngoãn đã lỗ đến hơn 500 triệu đồng. “Con giống kém chất lượng, mang mầm bệnh thì người nuôi có nhiều kinh nghiệm, có quy trình nuôi tốt, cơ sở vật chất đàng hoàng, tươm tất cũng phải chào thua” - ông Ngoãn chua chát.
Ông Dương Quốc Xuân – Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng thừa nhận: “Tình trạng con giống kém chất lượng, các sản phẩm vật tư nông nghiệp giả, nhái hàng đang hoành hành ĐBSCL, gây khó khăn cho nông dân trong sản xuất, phát triển”.
Nông dân Nguyễn Sơn Tùng (TP. Cần Thơ) cũng cho biết, gia đình ông cũng như nông dân ĐBSCL “mất ăn mất ngủ” vì sản phẩm bị ép giá trong khi giá vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao… “Đơn cử như người nuôi cá ĐBSCL lại đang chết dần, vì bị ép giá, sản xuất liên tục khó khăn vì thiếu vốn, chính sách hỗ trợ xa thực tế…” - ông Tùng chia sẻ.
Nông dân đang bị hãm hại
Lúa, gạo, trái cây và thủy sản là những sản phẩm chủ lực, đóng góp chủ yếu vào sự phát triển của ĐBSCL, đặc biệt là đóng góp phần lớn vào kim ngạch xuất khẩu các ngành lúa gạo, thủy sản… Thế nhưng, nông dân ĐBSCL đang phải “tự thân vận động” trong tất cả các lĩnh vực. Không chịu nổi, mới đây, nhiều nông dân đã gửi đơn cầu cứu đến Bộ NNPTNT và T.Ư Hội NDVN, trong đó nổi bật là lá đơn của ông Võ Hồng Ngoãn.
Đơn của ông Ngoãn có đoạn: “Nhiều lần nông dân phát hiện các sản phẩm vật tư nông nghiệp như hóa chất, thuốc thú y hay thức ăn thủy sản kém chất lượng, nhưng không ai dám tố cáo. Vì nếu tố cáo, gây phiền hà cho doanh nghiệp, mùa vụ sau, nông dân sẽ không được họ hợp tác, cung ứng vật tư cho”.
Ông Ngoãn viết tiếp: Trong khi nông dân là thành phần chính trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, thế nhưng, người hưởng lợi đầu tiên là các doanh nghiệp kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp. Kế đến là doanh nghiệp thu mua, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Phần lợi nhuận của nông dân đã rất nhỏ bé mà còn bị các doanh nghiệp làm ăn gian dối hãm hại bằng cách bán thuốc giả, phân bón giả, thức ăn có chất cấm… Nghịch lý là người ăn trộm tài sản trên 3 triệu đồng,đã bị truy tố trách nhiệm hình sự, trong khi các doanh nghiệp xem thường pháp luật, làm ăn gian dối chỉ bị phạt nhẹ hều nên không ai sợ. Ông Ngoãn cũng đề xuất: Để hạn chế tình trạng doanh nghiệp làm ăn gian dối, hại nông dân cả đầu vào lẫn đầu ra của nông sản, các cơ quan chức năng cần tăng mạnh các biện pháp xử lý, xử phạt các trường hợp buôn bán, sản xuất vật tư nông nghiệp kém chất lượng. Đặc biệt, phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những đơn vị sai phạm, thì mới đủ sức răn đe, giành lại công bằng cho nông dân.
Nhiều cơ chế bất cập
Trả lời NTNN về đơn kêu cứu của nông dân gửi T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, bà Nguyễn Hồng Lý – Phó Chủ tịch T.Ư Hội đồng tình với nội dung trên và cho rằng: “Hiện nay, chúng ta chưa có tổ chức và cơ chế điều hành hoạt động sản xuất, xuất khẩu cá tra dẫn tới tình trạng ép giá, phát triển tràn lan, không quy hoạch. Đồng thời, chưa có cơ chế quản lý nhà nước về giá thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản cũng như một số sản phẩm vật tư nông nghiệp khác khiến giá các mặt hàng này liên tục biến động”.Cần sự vào cuộc của nhiều đơn vị
Trao đổi với NTNN, ông Phùng Hữu Hào-Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và thủy sản cho biết, hiện Cục chưa nhận được những đơn thư từ phía bà con nông dân về tình trạng này. Theo ông Hào, liên quan đến các vấn đề về chất lượng vật tư nông nghiệp trong đó có phân bón, thuốc thú y; thức ăn thủy sản… cần có sự vào cuộc của nhiều đơn vị của Bộ NNPTNT. “Riêng về phía Cục, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng các sản phẩm nông lâm và thủy sản”- ông Hào cho biết.P.V - Hữu Thông (ghi)