Khung giờ dong thuyền ra khơi của ngư dân ở đây là vào khoảng 4-5h sáng. Luồng cá mờm cơm cách bờ chừng khoảng hơn 2 hải lý. Theo nhiều ngư dân ở đây, khoảng tháng 4-9 dương lịch là biển có cá mờm cơm nhưng rộ nhất là từ đầu tháng 8 đến đầu tháng 9 dương lịch. Chỉ riêng ở xã Kỳ Ninh, hiện tại có khoảng hơn 50 tàu hành nghề đánh bắt cá mờm cơm này.
Tầm 9h sáng, đã có đông người ngồi chờ trên bãi đợi thuyền về cập bờ để lấy cá. Chị Trần Thị Cần (thôn Tam Hải 1) với nghề buôn bán cá gần 20 năm...
... hay anh Lê Minh Nhật (thôn Tam Hải 2) với nghề làm nước mắm truyền thống và thu mua hải sản...
Thuyền thúng là dụng cụ trung chuyển các khay cá mờm từ các thuyền te ngoài biển vào bờ.
Khệ nệ mang từng khay cá mờm cơm tươi rói nhập cho thương lái, anh Nguyễn Thái Hoàn (bên phải, thôn Tam Hải 2) phấn khởi chia sẻ: Cá mờm rộ lên với số lượng đặc biệt nhiều từ khoảng hơn 2 tuần nay. Từ lúc đi biển lại nay là hơn 15 năm, tôi chưa thấy năm nào lại có đợt cá mờm cơm nhiều đến vậy, tàu nào đi đánh bắt cũng thu về thắng lợi lớn. Chuyến biển này, tàu của tôi đánh bắt được gần 3 tạ cá, thương lái thu mua cá mờm cơm tươi với giá 30-40.000 đồng/kg, trừ đi chi phí, thu lãi khoảng hơn 6-8 triệu đồng/ chuyến. Mỗi ngày, tôi cũng cố gắng đi cho được 2 chuyến.
Những mẻ cá mờm cơm tươi lấp lánh, được các thương lái mua tận bãi.
Đánh bắt gần bờ, chi phí không cao, ra khơi chỉ vài tiếng cũng kiếm được bạc triệu, cá vừa vô bờ, thương lái đã chờ mua ngay nên anh em trên thuyền rất phấn khởi - ngư dân Lê Văn Hảo ở thôn Tam Hải 1 bày tỏ.
Các khay cá sẽ được vận chuyển ngay vào bờ để giữ độ tươi ngon. Sau đó sẽ tiến hành công đoạn phơi sấy tự nhiên - công việc của phụ nữ làng biển.
Giữa tiết trời nắng bỏng rát da, các mẹ, các chị với trang phục chống nắng, khéo léo trải đều các con cá mờm cơm lên dải lưới. Vừa rải cá lên lưới, chị Nguyễn Thị Thu (thôn Tam Hải 1) vui vẻ chia sẻ: Muốn cá mờm cơm khô đều thì khi rải cá phải rải đều trên mặt lưới, tuyệt đối không để cá kết dày sẽ dễ bị ươn, hỏng. Cá lớn thì phải phơi mất 4-5 tiếng còn cá nhỏ hơn thì phơi khoảng 2-3 tiếng là có thể đóng gói được....
Nắng càng to, cá càng nhanh khô, trắng thơm, đạt độ giòn cần thiết.
Cá sau khi phơi sẽ được các mẹ, các chị mang đi phân loại.
Tùy chất lượng thành phẩm, giá cá khô cũng khác nhau. Cá có giá cao khi có độ trắng, cá nhỏ, đều con. Cá càng to, màu hơi ngả vàng thì giá bán sẽ thấp hơn.
Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Vinh (thôn Tam Hải 1) cứ 10 kg cá tươi mới cho 3 kg cá khô, giá bán dao động từ 150-250.000 đồng/kg tùy từng loại. Cá khô được doanh nghiệp trong xã thu mua hết nên đầu ra không phải lo lắng nhiều.
Tại nhà kho đông lạnh của HTX Thu mua và Chế biến thủy hải sản Chiến Thắng (Kỳ Ninh), chỉ trong gần chục ngày gom cá đã có hơn 7 tấn cá khô.
Bà Đặng Thị Luận - Giám đốc HTX Thu mua và Chế biến thủy hải sản Chiến Thắng cho biết: Có những ngày HTX chúng tôi thu mua hơn 1 tấn cá mờm cơm khô bà con mang tới bán. Cá mờm cơm thường được xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc, bởi đây là thị trường rất chuộng loại cá cơm này. Vì vậy, cá cơm mờm khô có giá khá cao.
Cá mờm cơm ngoài việc chế biến tươi như kho nhạt ăn cùng bánh đa, kho khô cùng ớt, nấu canh với lá giang, lá me chua... thì khi được phơi khô, loại cá này cũng trở thành món lương khô ngày trở gió. (Trong ảnh: Cá mờm rim lạc, sản phẩm đạt OCOP 3 sao của HTX Thu mua và Chế biến thủy hải sản Chiến Thắng được chế biến từ cá mờm cơm của vùng biển Kỳ Ninh)