Một buổi trưa đầu tháng 6, chúng tôi có mặt tại khu vực cảng cá Hòn Rớ, TP.Nha Trang - một trong những vựa hải sản lớn nhất Nam Trung bộ. Xung quanh đây từ lâu nay đã có rất nhiều người chế biến hải sản khô để bán cho các chủ vựa kinh doanh trên địa bàn Nha Trang và các nơi khác. Dọc hai bên bờ sông Quán Trường - con sông chính đổ về cửa biển nơi có cảng Hòn Rớ, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là những vỉa hè đầy các loại hải sản được bày ra phơi, trông rất mất vệ sinh. Các loại cá hố, cá đuối, mực tẩm, xương và thịt cá nhám (cá mập loại nhỏ)... phơi trên vỉa hè, có loại được phơi trên vỉ và cũng có loại phơi ngay trên vỉa hè. Nhiều loại hải sản đã bốc mùi khó chịu, ruồi nhặng bám dày đặc.
Do đây là khu dân cư, đất chật người đông nên họ tận dụng mọi địa điểm để phơi hải sản. Tại kênh mương đi xuyên qua khu dân cư Hòn Rớ, dù con kênh này đầy rác thải, nước đen sì và hôi thối nhưng đó là nơi phơi thịt cá nhám với số lượng hàng tấn mỗi ngày. Một số người làm công cho biết, họ phơi khô rất nhiều loại hải sản, nhưng thường xuyên là mực, cá hố, cá nhám... Không đâu xa, ngay tại điểm sơ chế cá nhám ở cảng Hòn Rớ, hàng tấn cá nằm ngổn ngang, có nhiều đống cá đã và chưa sơ chế trong thời kỳ phân hủy, bốc mùi nồng nặc nằm lẫn lộn giữa nước thải. Tại đây, một lượng lớn cá nhám đã xẻ thành từng miếng được ngâm vào những cái thùng lớn chứa nước, mùi rất khó chịu như mùi các loại hóa chất làm trắng và khử mùi hôi cá.
Đa phần lượng hải sản khô ở đây được bán cho các tiểu thương ở chợ Đầm, chợ Xóm Mới (Nha Trang), các tỉnh Tây nguyên, TP.Hồ Chí Minh. Họ sẵn sàng cung cấp hàng với số lượng lớn. Khi ra sạp hay trung tâm hải sản khô, những loại cá, mực này không được gắn nhãn mác với tên gọi chung là “đặc sản hải sản khô”. Đến các ki-ốt hải sản khô ở chợ Đầm, vừa thấy khách, những người bán hàng ở đây mời chào mua mực, cá khô, tôm khô... về làm quà. Ở đây, hàng hải sản của từng tiệm được gắn nhãn mác của tiệm đó chứ không có tên của cơ sở sản xuất. Thậm chí, có nhiều mặt hàng như hải sâm, cá cơm, cá thu, vi cá mập... chỉ để tên hàng cùng dòng chữ “Đặc sản Nha Trang” mà không có nhãn mác của tiệm, thời hạn sử dụng. Các tiểu thương ở đây cho biết, họ mua từ các tàu đi đánh bắt, ngoài ra còn mua hàng từ Hòn Rớ và nhiều cơ sở chế biến hải sản khô tại Nha Trang và các địa bàn khác.
Hải sản khô phơi ngay trên vỉa hè, sát những bẫy tôm hùm con rất ô nhiễm
Thực tế những mặt hàng hải sản khô bấy lâu nay ít được người tiêu dùng quan tâm. Ngay cả các cơ quan quản lý còn tỏ ra lúng túng. Theo một cán bộ Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, thuộc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, đơn vị chỉ quản lý những món ăn thành phẩm đã được dọn lên bàn, còn mặt hàng hải sản khô phải hỏi ngành thủy sản.
Thế nhưng, ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Khánh Hòa, cho rằng: “Chúng tôi chỉ quản lý chất lượng của những cơ sở có đăng ký chế biến thủy sản, còn hàng thủy sản khô bán ngoài chợ do ngành công thương quản lý”. Còn ông Phạm Văn Hữu, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Khánh Hòa, cho hay việc quản lý hàng hải sản khô được bán ngoài thị trường có trách nhiệm của cả ba ngành y tế, thủy sản, công thương. Quản lý thị trường chủ yếu kiểm tra các quy định về nhãn mác, thời hạn sử dụng, nguồn gốc hàng hóa...
Ngay cả các ngành chức năng cũng không rõ ai quản lý chất lượng hải sản khô? Và tất nhiên chất lượng, vệ sinh thực phẩm mặt hàng này bị lãng quên. Cuối cùng, hậu quả vẫn là người tiêu dùng gánh chịu.