Mỗi ngày có hàng chục chiếc tàu chở hàng trăm ngư dân ở huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, đi săn ốc biển. Tàu phải chạy mất 5 tiếng ra bãi đá ven các đảo thuộc huyện Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà để săn ốc. Hành trang cho mỗi chuyến đi 3-4 ngày là vài ba bộ quần áo cũ kỹ, nước ngọt, lương thực và chút lương khô, sữa phòng khi bão gió.
Trên mỗi tàu có khoảng 8 đến 10 người, khi đến địa điểm săn ốc họ chia ra thành từng nhóm khoảng 4-5 người trên một hòn đảo. Dụng cụ để bắt và đựng ốc chỉ là những chiếc làn, găng tay và móc sắt.
Khi thủy triều xuống lộ ra những bãi đá, nơi ốc màu, ốc đá bám vào. Nhiều con bám ngay bề mặt hòn đá lớn dễ nhìn, nhưng cũng có con ẩn mình dưới ngóc ngách, buộc ngư dân phải lật đá lên tìm.
Săn ốc biển không hề đơn giản, mùa hè thì nắng cháy da cháy thịt, mùa đông gió biển lạnh buốt, đêm ngủ muỗi đốt, rồi giông lốc bất chợt khiến cho hành trình của những ngư dân thêm vất vả.
“Các bãi đá trơn trượt, nếu không cận thận rất dễ ngã gẫy chân, tay. Chưa kể những ngày mưa bão cả gần chục người trên một chiếc tàu lênh đênh trên biển, sống chết không ai hay”, một ngư dân nói. Để tránh bị đứt tay do hà cứa khi lật những hòn đá, các thợ săn ốc đều đeo găng tay.
Phút nghỉ ngơi của những thợ săn ốc. Bữa trưa của họ là hộp sữa và chiếc bánh mì.
Mưu sinh bằng nghề bắt ốc từ nhỏ, chị Phạm Thị Thắm (40 tuổi, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) cho biết, mỗi chuyến đi cho thu nhập từ 800.000 cho đến hơn triệu đồng. Cả huyện có khoảng vài nghìn người theo nghề này. Do không sắm được tàu, họ lập thành nhóm khoảng chục người thuê một chuyến tàu từ 2,5 đến 3 triệu đồng cho một chuyến đi 4 ngày.
Khi nước lên phủ kín các bãi đá, những thợ săn nam lại tranh thủ đi lặn, ngụp sâu dưới nước để bắt ốc.
Ngư dân Nguyễn Văn Nhự (50 tuổi, xã Hạ Long, Vân Đồn) cho biết, trước đây ốc còn nhiều, mỗi chuyến ra khơi trở về được vài chục cân, kiếm bạc triệu. Còn bây giờ vất vả lắm ông mới kiếm được 15 kg ốc, bán được khoảng một triệu. “Ốc ngày càng cạn kiệt, muốn bắt được ốc to phải lặn thì mới có, nhưng không phải ai cũng lặn được. Mặc dù nghề lặn gian nan nhưng rồi cũng quen. Hôm nào không ra khơi được mọi người đều cảm thấy nhớ biển”, người đàn ông 50 tuổi nói.
Ốc biển sạch và có nhiều chất dinh dưỡng, các nhà hàng khách sạn đều ưa chuộng. Phần lớn ốc được phân loại và được các thương lái thu mua tận bến để xuất sang Trung Quốc. Giá cả mỗi loại khác nhau, như ốc đá bình quân 60-80 nghìn đồng/kg, ốc màu 70-90 nghìn đồng/kg.