Lợn, hải sản cũng bị bơm chất cấm
Ngày 18.7, thông tin từ Công an TP.Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), lực lượng công an vừa kiểm tra và phát hiện cơ sở lưu chứa lợn hơi tại khóm 2, phường 5 đã bơm nước vào lợn để làm tăng trọng lượng trước khi giết mổ. Qua tìm hiểu, lực lượng chức năng phát hiện nơi đây tổ chức đi thu mua lợn ở khắp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, sau đó vận chuyển về đây để giết mổ.
Tại thời điểm kiểm tra (ngày 10.7), lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 2 thanh kim loại làm dụng cụ để bơm nước, 2 bơm kim tiêm và một số dụng khác có liên quan.
Được biết, cơ sở này hoạt động rất khép kín, ít người ra vào. Để phát hiện được vụ việc, lực lượng công an đã gặp rất nhiều khó khăn.
Trước đó, trong tháng 5 vừa qua Công an Đồng Tháp cũng bắt quả tang trường hợp bơm nước và thuốc an thần vào lợn nhằm tăng trọng lượng đàn lợn 28 con tại ấp 3, xã An Hòa, huyện Tam Nông.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian gần đây các thương lái còn sử dụng một loại hóa chất (dạng ống, không có nguồn gốc xuất xứ) để tiêm vào lợn trước khi bơm nước. Việc làm này nhằm chống lại sự co giật, chống tiếng la hét của lợn trong thời gian bơm nước.
Cũng gian lận về trọng lượng, hiện nay nhiều vựa mua bán cua biển ở các địa phương như Trà Vinh, Cà Mau và Bạc Liêu… sử dụng loại dây buộc kích cỡ lớn, ngâm nước và lăn bùn đất để buộc cua nhằm tăng trọng. Tại một vựa cua lớn ở xã Long Hữu, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, phóng viên ghi nhận, nhiều loại cua được “trói đẹp” sau khi mua về.
Ông Lê Văn H -chủ vựa cua cho biết: “Thông thường, cua nặng 1kg sẽ được tăng lên 1,3kg, thậm chí đến 1,5kg sau khi trói dây. Tuy nhiên, giá bán vẫn tính luôn tiền dây. Các vựa thường thuê cả đội ngũ trói cua. Khác với việc bơm nước vào gia súc, bơm tạp chất vào tôm, việc trói cua để tăng trọng lượng trên được xem là chuyện... hiển nhiên”.
Ngoài ra, hiện nay, đánh vào tâm lý chuộng các sản phẩm tự nhiên từ đồng ruộng, ở các chợ vùng ĐBSCL, tình trạng gắn mác “đồ đồng” cho các sản phẩm tươi sống như: Cá rô, cá lóc, lươn, ếch... để bán với giá cao hơn giá sản phẩm nuôi ngày càng phổ biến.
Ông Nguyễn Văn Sáng (ngụ xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) - người có nhiều năm sống bằng nghề khai thác cá đồng, chia sẻ: Hiện nay nguồn lợi thủy sản tại các sông, kênh rạch hoặc trên ruộng khá hiếm, không còn được như lúc trước. Trong khi đó, đi đến các chợ đâu đâu cũng thấy rao “cá đồng”, không biết ở đâu ra mà nhiều như vậy? Dân trong nghề ai cũng biết là toàn là “chiêu” để biến cá nuôi thành cá đồng.
“Không ít người đánh lừa tâm lý người tiêu dùng bằng cách chỉ bán vài con cá, vài ký ốc hay mớ rau, người mua tưởng là của vườn hiếm hoi mang ra bán nên yên tâm. Thậm chí họ còn chỉ xuống ruộng hay kênh mương cho khách thấy các dụng cụ để bắt cá, làm cho khách tin tưởng hoàn toàn” – ông Sáng phân tích.
Khó quản lý sản phẩm… đồng quê
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Đức - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Hậu Giang cho biết: “Các sản phẩm đồng quê thì rất khó quản lý, kiểm soát do người dân bán ở những chợ tự phát, không có đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Hiện nay, vẫn có tình trạng con cá trê lai khi nuôi thì không có màu vàng, còn người dân thì chuộng ăn loại cá trê vàng nên người ta trộn chất tạo màu để tạo màu vàng vào cho cá”.
Theo ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thời gian qua, ở vùng ĐBSCL luôn xảy ra tình trạng pha trộn giữa gạo tốt và gạo kém chất lượng để bán thu lợi. Điển hình là gạo Jasmine - 1 trong 5 loại gạo xây dựng thương hiệu gạo quốc gia thường bị pha trộn với nhiều loại gạo kém chất lượng nên sản phẩm không đảm bảo chất lượng để xuất khẩu. Ngoài ra, vẫn xảy ra tình trạng doanh nghiệp bán phá giá lẫn nhau kéo theo giá sụt giảm, từ 500-600USD/ tấn còn 450-460 USD/ tấn.
Còn theo GS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp ở ĐBSCL: “Việc người dân gian lận trong kinh doanh đã làm mất uy tín nặng nề, “dơ bẩn” hàng hoá Việt Nam. Theo đó, người bị thiệt hại nặng nề là người dân làm ăn chính đáng do giá cả bị sụt giảm sau khi lô hàng xuất đi bị trả về. Riêng doanh nghiệp còn bị mất danh tiếng, thương hiệu, sản phẩm còn bị tiêu hủy…”.
“Thời gian qua, hình thức xử phạt những hành vi gian dối trong kinh doanh, mua bán như nói trên giống như… gãi ngứa, không đủ sức răn đe. Cũng vì lý do này mà tình trạng trên cứ tái diễn trong thời gian dài. Vì vậy, tới đây, cơ quan nhà nước, ngành chức năng phải tổ chức sản xuất theo quy mô tập thể, theo tiêu chuẩn công nghệ cao, có cán bộ khuyến nông theo dõi sát sao và đảm bảo đầu ra từ doanh nghiệp. Riêng đối với hành vi làm ăn gian dối phải có biện pháp chế tài nặng hơn” – GS Xuân góp ý.
“Nếu phát hiện cơ sở, cá nhân có hành vi bơm chất lạ vào gia súc hay thủy sản thì bắt buộc phải đền bù thiệt hại đã và sẽ gây ra. Đồng thời, phải bồi thường cho người sử dụng sản phẩm trên. Nhân đây, tôi cũng khuyên người tiêu dùng và bà con nông dân phải cẩn thận, mua phải có hoá đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc để không xảy ra tình trạng tiền mất tật mang”. GS Võ Tòng Xuân