4 người chia nhau 20 ngàn
Sáng 24.4, PV báo Lao Động có mặt tại ven biển sát chân đèo Ngang ở thôn Minh Đức, xã Kỳ Nam (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) ghi nhận cả một dải bờ biển dài hàng trăm mét nhưng đìu hiu. Tìm mỏi mắt mới thấy một nhóm 4 người đang gỡ lưới bên mép biển.
Anh Nguyễn Văn Thấm (41 tuổi, trú thôn Minh Đức, xã Kỳ Nam) tay gom mấy con ghẹ nhỏ thó bằng 2 ngón tay, giọng buồn bã "Chán lắm chú ơi. 4 anh em giong thuyền từ chập choạng tối qua đến sáng nay mà chỉ được khoảng 1 cân ghẹ cỏn con rứa đó. Từng đó mà bán may chỉ được 20 ngàn đồng để chia nhau. Mà bán cũng chẳng ai mua.".
Theo anh Thấm, trước đây khi chưa xảy ra tình trạng cá chết, mỗi ngày ra khơi, 4 người trên con thuyền 45 CV của anh nếu trúng cũng bán được khoảng 7 - 8 triệu, ít nữa cũng được 5 triệu đồng. Thế nhưng từ hôm phát hiện cá chết, biển bị nhiễm độc đến nay thì ra khơi chẳng đủ tiền dầu. "Ngồi bó gối mãi ở nhà sốt ruột quá nên đành phải ra khơi mưu sinh. Nhưng đi về mà thế này thì chán lắm. Gay go lắm anh ơi.Tình cảnh này không biết lấy gì nuôi gia đình. Mong nhà nước có chính sách hỗ trợ cho dân không thì chết đói", - anh Nguyễn Văn Thìn (SN 1990), người vừa ra khơi về với anh Thấm trải lòng.
Tại ven biển thôn Sinh Thái thuộc tái định cư xã Kỳ Nam, hàng chục chiếc thuyền đang nằm bờ. Ông Hoàng Văn Hữu (64 tuổi, thôn Sinh Thái) - cho biết, sau khi phát hiện cá chết hàng loạt trên biển, khoảng 10 ngày nay, ông cùng anh em trên chiếc thuyền 8CV không ra khơi nữa. Chuyến cuối mà ông ra khơi cách đây 10 ngày chỉ được 1 trăm ngàn đồng nên chán nản kéo thuyền lên bờ luôn.
Chị Hoàng Thị Nhường (32 tuổi, thôn Sinh Thái) cho biết, từ sau khi xảy ra cá chết trên biển Hà Tĩnh, do đánh bắt ở quê không có cá, nên mấy hôm nay chồng chị phải ra Thanh Hóa đánh bắt thuê kiếm tiền nuôi vợ con.
Đại lý gom hải sản đóng cửa
Chị Nguyễn Thị Phương (trú thôn Sinh Thái) - chủ đại lý thu mua hải sản lớn ở Kỳ Anh buồn bã cho biết, bình quân trước đây, mỗi ngày chị bỏ ra hơn 100 triệu để thu mua hải sản, ướp lạnh rồi phân phối cho nhiều tiểu thương khác. Thế nhưng, từ sau khi xảy ra tình trạng cá chết đến nay, chị phải đóng cửa đại lý vì bán không được hàng. Với lại, ngư dân cũng chẳng ra khơi để mà mua sản phẩm. Trong khi đó, lương công nhân thì vẫn phải trả cho họ.
"Chúng tôi đang rất hoang mang, chẳng biết bao giờ thì hoạt động kinh doanh mới được ổn định trở lại. Giờ ngay cả việc thông tin đã được ăn cá chưa, ăn có ngộ độc hay không cũng chẳng được thông báo thì chắc còn lâu mới ổn định được thị trường", - chị Phương than thở.
Tại "phố" nhà hàng hải sản mực nhảy ở xã Kỳ Lợi cũng đìu hiu. Theo chị Chu Thị Tuyết - chủ nhà hàng Độ Tuyết- vài tuần nay, từ sau khi phát hiện cá nuôi và cá tự nhiên chết ở vùng biển Vũng Áng, khách đến ăn hải sản tại đây giảm tới 90%. Thậm chí, có ngày chẳng có khách nào đến. "Ở đây mực vẫn sống bình thường. Thế nhưng có lẽ vì tâm lý cá bị nhiễm độc chết nên khách hàng sợ không dám ăn luôn cả mực. Tình hình này thì chúng tôi khốn khó lắm", - chị Tuyết lo lắng.
Ông Hữu (ngoài cùng bên trái) cho biết, đã kéo thuyền lên bờ từ 10 ngày nay vì ra khơi chẳng đủ tiền dầu. Ảnh: Trần Tuấn
Tình trạng thuyền ở xã Kỳ Nam nằm bờ sau thảm nạn cá chết. Ảnh: Trần Tuấn