Đề tài đầu tiên sẽ tạo ra các kiểu rạn nhân tạo phù hợp với điều kiện tự nhiên, môi trường, nguồn lợi thủy sản ở vùng biển vịnh Nha Trang. Qua đó cung cấp các cơ sở khoa học về rạn nhân tạo để các nhà quản lý địa phương lựa chọn và ứng dụng mô hình nhằm bảo vệ tôm hùm con trong tự nhiên và các nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái, môi trường sống của các loại sinh vật biển khác.
Đề tài này được cấp kinh phí dự kiến khoảng 900 triệu đồng từ nguồn sự nghiệp khoa học, thực hiện trong hai năm, với yêu cầu đặt ra cho các nhà khoa học là chọn được địa điểm phù hợp, thiết kế được từ 2-3 kiểu rạn nhân tạo phù hợp, mô hình quản lý... làm cơ sở để nhân rộng việc chế tạo và lắp đặt rạn nhân tạo ở vịnh Nha Trang, đáp ứng mục tiêu nói trên.
Đề tài thứ hai được xác định triển khai tại Mũi Bàng Thang, Tây Bắc Hòn Tre, vịnh Nha Trang với mục tiêu thiết lập rạn nhân tạo kết hợp với phục hồi san hô, tạo cảnh quan cho du lịch lặn biển và giảm thiểu sóng đối với bãi tắm vịnh Nha Trang. Kinh phí cấp cho đề tài này khoảng 950 triệu đồng và cũng thực hiện trong hai năm, kể từ 2013. Sở Khoa học và công nghệ Khánh Hòa sẽ triển khai các bước để tuyển chọn đơn vị, cá nhân thực hiện hai đề tài nói trên.
Vịnh Nha Trang có khoảng 340 loài san hô, chiếm khoảng 40% số loài san hô trên thế giới. Nhiều năm qua quá trình đô thị hóa, nạn khai thác san hô trái phép, đánh bắt hải sản đã khiến số lượng và diện tích rạn san hô bị thu hẹp.
Tỉnh Khánh Hòa đã thành lập Khu bảo tồn biển Hòn Mun từ năm 2001 nhằm quản lý, bảo vệ và phát triển sự đa dạng sinh học trong vịnh Nha Trang, trong đó quan trọng nhất là các rạn san hô.