Tuy nhiên, nguồn lợi này đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt dần, mất khả năng tái sinh do bị khai thác một cách vô tội vạ; với nhiều phương tiện có tính chất hủy diệt: ghe cào, te, lưới mùng, xới tung bãi sò huyết, nghêu giống…bán nơi khác để nuôi, bất chấp sự ngăn cản của chính quyền địa phương đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, làm cạn kiệt nguồn nguyên liệu thuỷ sản ven bờ. Nhiều nơi có hiện tượng nghêu, sò nuôi chết hàng loạt, môi trường bị phá vỡ, rất khó cải tạo ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng chục ngàn lao động nghề biển.
Do đặc điểm các loài thuỷ sản ven biển đến mùa sinh sản, chúng tìm đường ra biển. Khi gió chướng thổi mạnh ấu trùng theo sóng biển dạt vào bờ, cùng với môi trường sinh thái phù hợp (rừng phòng hộ ven biển) ấu trùng phát triển nở thành các loài thuỷ sản sống ven biển. Đó là tài sản thiên nhiên đã ban tặng cho bãi bồi ven biển Sóc Trăng. Thế nhưng, thời gian gần đây các bãi bồi ven biển ở xã Vĩnh Hải, Phường 2 (Vĩnh Châu); Trung Bình (Trần Đề) do người dân dùng các loại dụng cụ: Đục, đáy, lưới giăng, xiệp, lưới thẹ (khẩu độ lưới rất nhỏ)…giăng khắp nơi để khai thác các loại thủy sản, làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lợi thủy sản ven bờ. Chỉ tính riêng ở khu vực xã Vĩnh Hải (Vĩnh Châu) có khoảng 30 giàn lưới thẹ (cua giống), 200 giàn lưới giăng để bắt cá kèo giống. Còn tại các bãi bồi ở các xã An Thạnh Ba (Cù Lao Dung); Vĩnh Hải (Vĩnh Châu); Bãi Giá ( Trung Bình – Long Phú). Tình trạng khai thác nghêu huyết giống ngày càng diễn biến phức tạp; hàng trăm con người cứ mặc nhiên khai thác theo kiểu tàn sát các bãi nghêu giống dọc các bãi bồi ven biển nơi đây cả ngày lẫn đêm để bán cho vùng nuôi sò, nghêu ở Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh… khiến các loài thuỷ sản ven bờ khu vực này gần như kiệt quệ. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Trà Khol, Bí thư – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải (T.X Vĩnh Châu – Sóc Trăng) nơi có bãi nghêu sò huyết giống lớn nhất Sóc Trăng bức xúc nói: "Khi nơi này xuất hiện nghêu giống lập tức xuất hiện đội quân rất đông người đến khai thác trái phép. Họ khai thác từ khi nghêu giống còn rất nhỏ đến khi cạn nguồn họ lấn sang trộm các sân nuôi nghêu thương phẩm của hộ nuôi. Các ngành chức năng của xã, huyện được huy động xuống hiện trường kiểm tra và lập biên bản xử lý các trường hợp vi phạm. Thế nhưng, lực lượng khai thác quá đông (có ngày cả ngàn người) mà lực lượng kiểm tra lại mỏng nên chỉ biết đứng nhìn, vì chẳng làm được gì họ. Còn việc xử lý các đối tượng khai thác trái phép không thể thực hiện được, vì đa phần họ là những người rất nghèo”.
Các ngành chức năng ở Sóc Trăng không sớm có giải pháp kịp thời ngăn chặn việc khai thác thuỷ sản ven bờ một cách bừa bãi, thì chẳng bao lâu nguồn lợi không nhỏ của địa phương là các loài thuỷ sản sống ven biển, bãi bồi rừng ngập mặn có nguy cơ bị hủy diệt.