Tại Sóc Trăng, có 2 vùng nuôi hưởng lợi từ dự án này là huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu. Thành viên các HTX, THT tham gia ký kết hợp đồng bao tiêu tôm thẻ chân trắng thương phẩm đã được cấp giấy chứng nhận ViệtGAP và cam kết cung ứng tôm thương phẩm cho Công ty đảm bảo không tồn dư hóa chất kháng sinh và được Công ty trực tiếp thu mua tại ao, với giá cao hơn thị trường từ 5.000 - 7.000 đ/kg. Giữa Công ty và người dân đã thẳng thắn thảo luận điều kiện để thống nhất nội dung hợp đồng. Ông Ngô Công Luận, Giám đốc HTX Nông ngư 14/10 , xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, cho biết: “Thành viên HTX rất vui mừng khi HTX ký kết được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá thỏa thuận có lợi cho cả 2 bên. Hiện HTX đã có hợp đồng bao tiêu vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra nên các thành viên rất an tâm, tập trung chăm sóc tốt đàn tôm để đạt năng suất cao”.
Một sự khởi động cho vụ nuôi 2017 khá thuận lợi, người nuôi an tâm hơn khi sản phẩm tôm đảm bảo chất lượng được bán với mức giá cao hơn thị trường ở mức khuyến khích. Qua đó, tác động rất lớn đến nhận thức của thành viên các HTX, THT về áp dụng quy trình nuôi tôm an toàn sinh học. Ông Nguyễn văn Hoàng, Giám đốc HTX Thành Đạt, xã Hòa Tú 1, cho biết: “Các thành viên HTX rất đồng tình với mô hình sản xuất liên kết vì cái lợi lớn nhất của mô hình này là đảm bảo được môi trường nuôi sạch, sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu của thị trường và giá bán được giá cao hơn”.
Doanh nghiệp và cán bộ kỹ thuật khảo sát ao nuôi của hộ dân.
Qua nội dung thảo luận đã đi đến thống nhất và đại diện HTX, THT đã ký kết hợp đồng trực tiếp với Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Clean Food theo nội dung thoả thuận trước sự chứng kiến của Ban Quản lý dự án, Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng. Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, cho biết: “Hiện nay sản phẩm tôm của tỉnh đa số là cung ứng cho xuất khẩu nên sản phẩm phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và không tồn dư chất kháng sinh. Do đó, việc liên kết giữa hộ nuôi và nhà máy chế biến là cũng nhằm thúc đẩy cho sản phẩm ngày càng có giá trị cao hơn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Hạn chế được việc sản xuất nhỏ lẻ trong nông dân”.
Sau hợp đồng liên kết tiêu thụ tôm thương phẩm, Sở NN&PTNT Sóc Trăng sẽ tiếp tục thảo luận với thành viên các HTX, THT về liên kết với đoanh nghiệp cung ứng giống, thức ăn nuôi tôm và tiến hành chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm bằng chế phẩm vi sinh, phát triển mạnh quy trình kỹ thuật nuôi tôm không sử dụng hóa chất kháng sinh để đảm bảo người nuôi giảm giá thành, bán tôm thương phẩm với giá cao. Đây là xu thế phát triển tất yếu đối với nghề nuôi tôm nước lợ, người nuôi phải hướng tới mô hình hợp tác để tạo sản phẩm tập trung, thực hiện liên kết và hướng tới nuôi an toàn, bền vững mà mục tiêu dự án đề ra./.