Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng, hiện nay phần lớn diện tích nuôi tôm nước lợ đã thu hoạch; đối với vùng nuôi tôm - lúa ở huyện Mỹ Xuyên, các hộ đã tiến hành xuống giống lúa; một số khu vực còn lại như huyện Trần Đề, Cù Lao Dung, Vĩnh Châu… người nuôi đã bắt đầu thả cá chẽm, tôm càng xanh, cá rô phi trên diện tích thu hoạch.
Vụ nuôi vừa qua, tỉnh Sóc Trăng đã thả nuôi được khoảng 56.100 ha tôm nước lợ, tuy nhiên khoảng 12.000 ha bị thiệt hại, chiếm 21% diện tích thả nuôi. Trong đó, có 6.961 ha (chiếm 55%) bị ảnh hưởng do môi trường, còn lại diện tích tôm bị dịch bệnh, chủ yếu là bệnh hoại tử gan tụy cấp và bệnh đốm trắng. Như vậy, nguyên nhân chủ yếu là do những tác động bất lợi của môi trường, điều kiện thời tiết nắng nóng và mưa đột ngột xen kẽ nhau, làm cho môi trường ao nuôi biến động, tảo tàn, phân tầng nước, đặc biệt là sự xuất hiện của khí độc NH3 và NO2. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, phần lớn diện tích nuôi đã thu hoạch xong, số còn lại tôm vẫn phát triển tốt.
Theo ông Đào Văn Bảy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng, để hạn chế tác động của môi trường đến tôm, thời gian tới, đối với các hộ chưa thu hoạch, cần có chế độ chăm sóc, quản lý tốt để duy trì đàn tôm ổn định đến thời điểm thu hoạch, cụ thể:
Thường xuyên kiểm tra pH trước và sau khi mưa để điều chỉnh kịp thời. Duy trì pH ở mức thích hợp 7,5 - 8,5 và dao động giữa sáng và chiều không quá 0,5 đơn vị. Nếu pH thấp, sử dụng vôi nông nghiệp CaCO3, liều lượng khoảng 10 - 15 kg/1.000 m3. Ngoài ra, để hạn chế phèn trên bờ ao rửa xuống khi mưa làm giảm pH và đục nước, người nuôi nên rải đều vôi trên bờ ao. Vôi sẽ giúp trung hòa axít, tránh hiện tượng pH giảm đột ngột và giúp nước ao không bị đục sau khi mưa;
Khi có mưa, độ kiềm trong ao sụt giảm làm ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm, khiến tôm chậm lớn, giảm tỷ lệ sống hay thường gặp hiện tượng tôm bị mềm vỏ kéo dài do độ kiềm dưới mức thích hợp. Độ kiềm thích hợp cho tôm nuôi từ 80 - 160 mg/l, nếu độ kiềm thấp có thể sử dụng vôi Dolomite liều lượng 20 - 30 kg/1.000 m3, hoặc bổ sung thêm khoáng cho tôm. Duy trì mực nước trong ao tối thiểu là 1,2 - 1,5 m. Cùng đó, cần tăng cường quạt nước trong khi mưa lớn hay khi trời nắng gắt để tránh hiện tượng phân tầng trong ao. Mặt khác, kKhi trời mưa, khả năng bắt mồi của tôm giảm, vì vậy, cần giảm khoảng 20 - 30% lượng thức ăn;
Trong quá trình nuôi, thường xuyên kiểm tra cống, bọng ao, quan sát các biểu hiện như hoạt động bơi lội, bắt mồi của tôm, nhất là vào những ngày mưa to kéo dài, nhiệt độ thấp... đồng thời thường xuyên theo dõi các bản tin thời tiết, thông tin cảnh báo dịch bệnh trên truyền hình, đài truyền thanh để chủ động trong sản xuất;
Đối với những ao bị bệnh, thu hoạch xong cần khử trùng ao, công cụ, dụng cụ, diệt giáp xác và ký chủ trung gian. Người tham gia thu hoạch tôm phải được vệ sinh cá nhân, không làm phát tán mầm bệnh, không xả thải nước ao nuôi chưa xử lý ra môi trường bên ngoài…