Khô cá lóc là đặc sản ngon nổi tiếng của các tỉnh miền Tây; khô cá lóc có ở nhiều ở An Giang, Đồng Tháp, Long An, Trà Vinh. Khô cá lóc An Giang nổi tiếng ở hai huyện Chợ Mới và Thoại Sơn bởi có nhiều cơ sở làm khô có tiếng. Khô chủ yếu được làm thủ công phơi dưới ánh nắng mặt trời nên giữ được mùi vị thơm ngon. Khách du lịch đến đây thường mua về làm quà cho người thân, bạn bè.
Bà Nguyễn Thị Lụa, chủ cơ sở chế biến khô cá lóc tại thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới, cho biết, hiện nay khô cá lóc loại 5-10 con/kg, phơi 2 nắng bán lẻ tại cơ sở chỉ có giá 120.000 - 170.000 đồng/kg do cá lóc tươi chỉ khoảng 20.000 - 24.000 đồng/kg, cộng với thị trường khô cá lóc phục vụ Tết cổ truyền chỉ mới bắt đầu khởi động. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian cách Tết cổ truyền từ 10-30 ngày mới chính thức bước vào mùa sôi động của thị trường khô và lúc này giá khô có thể tăng 15-30% so với ngày thường. Theo bà Lụa, để làm ra 1kg cá lóc khô cần khoảng 4kg cá lóc tươi và phải phơi 3-4 nắng mới đảm bảo được độ ngon, ngọt và sản phẩm không bị hư mốc. Hiện, mỗi cơ sở ở Chợ Mới cung cấp cho thị trường bình quân 30-50kg khô cá lóc thành phẩm các loại mỗi ngày.
Tuy nhiên, mỗi một cơ sở lại có những bí quyết riêng không thể trộn lẫn. Ông Lê Trọng Thông, chủ cơ sở kinh doanh khô cá lóc miền Tây, cho biết, để có miếng khô cá lóc ngon, người làm khô phải trải qua nhiều công đoạn từ chọn những con cá lóc tươi, đánh vảy làm sạch ruột, phile bỏ xương, ướp gia vị rồi mới đem phơi. Ngày xưa, khô cá lóc chủ yếu làm từ cá lóc đồng nhưng ngày nay sản lượng cá đồng không nhiều nhưng nhu cầu mua khô lại cao, nên người làm khô chuyển sang làm khô từ cá lóc nuôi. Tuy là cá lóc nuôi, nhưng đây là loại cá nuôi trong bè theo phương pháp sử dụng thức ăn tự nhiên là các loại cá tạp băm nhỏ mà không dùng thức ăn công nghiệp nên thịt cá vẫn thơm ngon.
Cá lóc làm khô được ướp những gia vị quen thuộc như muối, tiêu hạt đập giập, bột ngọt, ớt tươi trong 30 phút rồi đem phơi dưới trời nắng gắt khoảng 3-4 nắng là khô. Khô cá lóc được cho vào túi nylon thành từng túi 1kg rồi cho vào tủ mát bảo quản nên dùng được lâu, không bị mốc mà vẫn giữ được mùi vị đặc trưng của con khô. Khô cá lóc An Giang cũng giống khô cá lóc Long An, không ướp mặn nên phù hợp với khẩu vị của hầu hết mọi người, khô cá lóc không chỉ ngon khi chiên hoặc nướng ăn với cơm, mà nướng lên đập giập xé sợi trộn làm gỏi xoài, gỏi bưởi, gỏi đu đủ hay gỏi dưa leo ăn với cơm hay làm mồi nhậu… đều rất ngon.
Ông Phạm Quốc Đạt, nhà ở TP.Mỹ Tho (Tiền Giang), là nhân viên kỹ thuật của doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu tại huyện Chợ Mới, giới thiệu: “Bắt đầu từ tháng 12/2016, doanh nghiệp bán khô cá lóc An Giang cho người tiêu dùng ăn Tết với giá 140.000/kg loại 10 con/kg, bao gồm chi phí giao hàng”. Theo ông Đạt, thời gian tới, chắc chắn giá khô sẽ tăng do ảnh hưởng của giá cá lóc nguyên liệu và nhất là nhu cầu ngày càng cao của thị trường Tết.
Ngoài khô lóc, nhiều khách hàng ở TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang… còn thích ăn khô cá lóc phơi một nắng. Nguyên nhân là do cá khô phơi một nắng giữ được nhiều vị của cá tươi, thơm ngon mà lại dễ dàng vận chuyển. Tuy nhiên, cách làm khô một nắng khó hơn vì phải bảo quản tốt nếu không rất dễ bị hư.