Mở rộng diện tích
Từ khi chuyển dịch sang nuôi tôm đến nay, cuộc sống gia đình anh Nguyễn Hoàng Nhi, ấp Đất Sét, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, chỉ đủ ăn qua ngày nhờ canh tác trên 1,2 ha đất nuôi tôm truyền thống. Vợ chồng anh phải đi xứ khác cố đất làm thêm để tăng thu nhập. Khi phong trào NTCN được khởi xướng, xã Phú Mỹ chỉ có một vài hộ nuôi thành công.
Từ đó, nhiều hộ nuôi tôm truyền thống trong ấp muốn nuôi theo mô hình công nghiệp không dám mạnh dạn đầu tư. Tuy nhiên hiện nay thì đã khác, nhiều hộ dân cải tạo, đào mới ao đầm, đến nỗi lượng xáng cuốc ở địa phương không đáp ứng đủ nhu cầu.
Giống như nhiều hộ khác, mặc dù khó khăn về vốn nhưng anh Nhi vẫn thực hiện ủi 1 ha đất nuôi tôm truyền thống thành 3 ao NTCN và 1 ao lắng với chi phí 72 triệu đồng, dự kiến trong tháng tới anh sẽ thả tôm nuôi.
Ông Lê Văn Đen, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có trên 30 chiếc xáng cuốc, ủi hoạt động liên tục nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu ủi ao. Theo thống kê, diện tích NTCN trên địa bàn xã Phú Mỹ trong tháng 9 là 136 ha thì đến nay, chỉ sau gần 2 tháng đã tăng lên 175 ha. Theo đà này, đến cuối năm 2013 diện tích NTCN của xã Phú Mỹ sẽ đạt trên 200 ha.
Địa bàn huyện Cái Nước người dân cũng hồ hởi ủi ao đầm nuôi mới. Theo ông Nguyễn Thanh Giảng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, điều đáng mừng là các xã có diện tích NTCN ít như Đông Thới và Trần Thới đã vươn lên trong những ngày qua, đánh dấu sự chuyển mình trên loại hình nuôi tôm này. Tất cả diện tích cải tạo ao đầm NTCN đều nằm trong vùng quy hoạch, đây là tín hiệu đáng mừng cho mô hình NTCN trong năm 2014.
Cẩn trọng đối với vùng nuôi ngoài quy hoạch
Phong trào mở rộng diện tích NTCN rầm rộ nhất là ở huyện Phú Tân và Cái Nước. Tuy nhiên, sự phát triển này tại một số nơi không theo quy hoạch cũng đáng lo ngại.
Ông Nguyễn Thanh Giảng cho rằng, việc người dân tự phát ủi đầm ngoài vùng quy hoạch sẽ gây khó cho ngành chức năng trong việc quản lý môi trường vùng nuôi, đầu tư hạ tầng kỹ thuật và khi dịch bệnh bùng phát là rất nguy hiểm. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến sự thành công cũng như năng suất cho những vụ nuôi tiếp theo.
Bài học kinh nghiệm từ việc người dân tự phát cải tạo ao nuôi ngoài quy hoạch phát triển mạnh diện tích đầu năm 2011 vừa qua là một minh chứng. Trong đó, huyện Đầm Dơi là huyện bị dịch bệnh nặng nhất và đến thời điểm hiện tại diện tích ao thả nuôi chỉ đạt một nửa.
Vì thế, diện tích phát triển mới trên địa bàn huyện Đầm Dơi hiện nay là rất ít so với Cái Nước và Phú Tân. Để mô hình NTCN trong tỉnh phát triển bền vững thì công tác tuyên truyền, xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích nuôi là khâu cần thiết và quan trọng hiện nay.
Ông Võ Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân, cho biết, trong 1.220 ha NTCN hiện nay của huyện, có 300 ha nằm ngoài quy hoạch. Huyện đang rà soát tình hình ủi đầm nuôi mới để có định hướng, bổ sung quy hoạch NTCN của các xã trong năm 2014.
Việc người dân đào ao NTCN sẽ góp phần tăng diện tích NTCN chung toàn tỉnh, cũng như tận dụng thời cơ về giá và vụ nuôi thành công để người dân tự tin bước vào vụ mùa mới, đây là tín hiệu đáng mừng.
Song, cơ quan chức năng các cấp cần có kế hoạch định hướng, hỗ trợ người dân về vốn, kỹ thuật và khuyến cáo hộ nuôi nên tuân thủ lịch thời vụ, phát triển diện tích ao nuôi trong vùng quy hoạch để bảo đảm tính hiệu quả trong thời gian tới.