Từ ngày 1 tháng Bảy 2013, luật pháp tiểu bang nghiêm cấm việc mua bán vây cá và các phó sản của sản phẩm này, và như thế, California gia nhập hàng ngũ các tiểu bang khác trên khắp nước, cấm mua bán một sản phẩm vẫn được nhiều người coi như một “cao lương mỹ vị”. Trong Mục Đời Sống Văn Hóa do Hoài Hương phụ trách kỳ này, mời quý vị theo dõi một số chi tiết về luật cấm vừa có hiệu lực tại California qua cuộc phỏng vấn ông Paul Fong, một trong các tác giả của luật cấm. Cuộc phỏng vấn do Thông tín viên Ira Mellman của Đài VOA thực hiện.
Đối với nhiều người Á Đông, súp vi cá được coi như một món vừa ngon vừa bổ dưỡng, hầu như không bao giờ thiếu trong thực đơn của các bữa tiệc lớn như tiệc cưới chẳng hạn. Nhưng từ ngày 1 tháng 7, 2013, món cao lương mỹ vị này đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật ở bang California. Các hoạt động như mua bán, trao đổi và tiêu thụ sản phẩm này đều được coi là bất hợp pháp. Ủy viên Hội Đồng Lập pháp tại Thung lũng Điện tử - Silicon Valley Paul Fong giải thích:
“Chúng ta cần chấm dứt việc tiêu thụ vây cá ngay ở khâu mua bán bởi vì loài cá mập đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Với đà 78 triệu con cá mập bị săn bắt hàng năm để sản xuất vây cá, loài động vật này sẽ bị tuyệt chủng ngay trong thời đại chúng ta. Nếu cá mập bị tuyệt chủng thì hệ sinh thái của đại dương sẽ mất cân bằng nghiêm trọng. Và lẽ dĩ nhiên tình trạng đó không lành mạnh đối với cả loài cá mập, lẫn hệ sinh thái.”
Vây cá được chuẩn bị đem nấu tại một nhà hàng ở Hồng Kồng
Ông Paul Fong là một trong các đồng tác giả của luật cấm mua bán và tiêu thụ vây cá. Ông cho biết phản ứng đối với luật cấm này:
“Về phần lớn, chúng tôi được sự hưởng ứng tích cực từ giới hoạt động bảo vệ môi trường, và những người quan tâm về nạn đối xử tàn nhẫn với loài vật. Còn những người tiếp tục muốn phục vụ khách hàng của họ với món súp vi cá, hoặc các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm đó, thì lẽ dĩ nhiên họ không thích và tỏ thái độ phản kháng, nhưng bắt buộc phải tuân thủ. Đó là thành phần đã lên tiếng ồn ào nhất để phản đối dự luật do chúng tôi đề xuất.”
Ông Paul Fong cho hay những người phản đối mạnh nhất đã ra trước Tòa án Liên bang để thách thức tính hợp hiến của luật cấm mua bán và tiêu thụ vây cá, nhưng theo ông Fong, họ sẽ thất bại:
“Chúng tôi đã bảo đảm dự luật phải hợp hiến khi chúng tôi đưa dự luật ấy qua những tiến trình cần thiết. Họ đã bị đánh bại tại một tòa án cấp thấp, và giờ họ đang mang dự luật này ra trước một tòa án cao hơn để thách thức.”
Nhưng luật cấm buôn bán và tiêu thụ vây cá đã được hoãn thi hành trong một thời gian từ khi dự luật được thông qua. Ông Fong giải thích lý do của sự trì hoãn này:
“Chúng tôi muốn bảo đảm là những người đã có sản phẩm vây cá trong kho, không phải chịu đựng bất cứ thiệt thòi tài chính nào, vì thế cho chúng tôi gia hạn một năm rưỡi, để họ có thì giờ tiêu thụ hoặc sử dụng tất cả những sản phẩm đã có trong tay.”
Thế ước lượng số vây cá còn lại, chưa được tiêu thụ là bao nhiêu, ông Paul Fong:
“Hy vọng là không còn sản phẩm nào còn sót lại, chúng tôi mong rằng có thể họ đã bán đi hoặc tiêu thụ tất cả các sản phẩm còn lại trong thời gian một năm rưỡi hoãn thi hành luật.”
Tại một số nơi ở California, một chén súp vi cá có thể lên tới 40 đôla. Ông Paul Fong giải thích lý do vi cá được coi là một cao lương mỹ vị đắt giá:
“Thời triều đại nhà Minh thì đánh bắt cá mập là chuyện vô cùng khó khăn đối với ngư dân. Cá mập được coi như biểu tượng của Yang (Dương) theo Luật Âm Dương, súp vi cá là một món có tính biểu tượng, vì đánh bắt cá mập cực kỳ khó khăn vào thời xưa, cho nên loài động vật này đã được khoác cho một vẻ thần bí nào đó, khiến món súp vi cá cho tới ngày nay vẫn được coi là một món ăn bổ dưỡng hiếm hoi.”
Ông Fong cho rằng bằng cách loại bỏ vây cá và các phó sản của sản phẩm này ra khỏi thị trường bang California, các nhà lập pháp đã cùng lúc cắt trung tâm phân phối chủ yếu cung cấp sản phẩm này trên khắp nước:
“Mục tiêu của các nhà làm luật địa phương là chặn đứng sản phẩm này ngay tại thị trường. Tôi nghĩ chúng ta đã thực hiện mục tiêu đó một cách hiệu quả, bởi vì các nhà xuất khẩu, và nhập khẩu sản phẩm này vào Mỹ – chủ yếu từ Hong Kong, chưa gì đã giảm lượng hàng nhập khẩu xuống còn một phần ba. Thế cho nên có thể nói lệnh cấm đã mang lại kết quả.”
Với luật mới, bang California đã gia nhập hàng ngũ các tiểu bang trên khắp nước như Hawaii, Washington, Oregon, Illinois, Maryland và Delaware, nghiêm cấm các hoạt động mua bán và tiêu thụ vây cá. Nhờ sáng kiến của các nhà làm luật bang California, giờ đây, món súp vi cá không còn hiện diện trên thực đơn của nhiều nhà hàng lớn, và cũng trở nên hiếm hoi hơn trong các yến tiệc do các giới chức liên bang Hoa Kỳ tổ chức để khoản đãi quan khách nước ngoài.
Đến đây cũng đã kết thúc chương trình ‘Đời sống văn hóa’ của đài VOA phát thanh từ thủ đô Washington. Hoài Hương xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tối thứ Bảy tuần tới, cũng trên làn sóng này của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.