Dư lượng hóa chất, kháng sinh trong thủy sản: Là tình trạng hóa chất, kháng sinh còn chứa trong sản phẩm thủy sản ở dạng nguyên chất hoặc đã chuyển hóa, là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm, gây tác hại đối với sức khỏe của người sử dụng.
Hiện nay, nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bạc Liêu có những bước phát triển nhảy vọt, được đánh giá là ngành mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, nhất là mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, đối tượng chủ lực là tôm sú và tôm thẻ chân trắng được xuất khẩu vào các thị trường lớn như: Thị trường EU, Nhật, Mỹ, v, v, ...
Tuy nhiên trong những năm gần đây, do việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong quá trình phòng ngừa và điều trị bệnh đã gây ra dư lượng kháng sinh trong tôm nuôi, bị nhiều thị trường nhập khẩu cảnh báo. Chẳng hạn, thị trường Braxin mới có văn bản dỡ bỏ lệnh tạm ngừng cấp phép nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam vào tháng 3 năm 2015; thị trường Nhật Bản đã tiến hành kiểm tra chỉ tiêu Oxytetraxycline đối với 100% số lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam và không ít lô hàng bị trả về và thị trường EU đã có văn bản gửi Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản nêu tên 24 doanh nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam có lô hàng bị phát hiện vi phạm trong năm 2015, đồng thời cảnh báo sẽ đình chỉ nhập khẩu, nếu chất lượng tôm không được cải thiện, nhằm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng Châu Âu.
Riêng đối với tỉnh Bạc Liêu, định kỳ hàng tháng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản có kế hoạch lấy mấu ngẫu nhiên để kiểm tra sự tồn lưu dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng và hạn chế sử dụng trong sản phẩm thủy sản nuôi, để kịp thời cảnh báo, hướng dẫn biện pháp khắc phục.
Năm 2014, thu 197 mẫu, năm 2015 thu 201 mẫu và 06 tháng đầu năm 2016 thu 45 mẫu tôm. Mẫu tôm sau khi thu được mã hóa và gửi đến Trung tâm Chất lượng Nông Lâm Thủy sản vùng 5 để kiểm tra phân tích. Kết quả phân tích: Phát hiện 01 mẫu tôm bị nhiễm dư lượng kháng sinh vượt mức giới hạn cho phép vào năm 2014. Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản đã phối hợp với Chi cục Nuôi trồng thủy sản tiến hành truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân gây nhiễm kháng sinh, đề xuất biện pháp khắc phục và báo kết quả về Cơ quan Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Nam bộ theo quy định.
Một số nguyên nhân cơ bản gây nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh:
- Một là, do một số bộ phận nhỏ người dân chưa nắm được danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng hoặc vì lợi nhuận kinh tế đã lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong phòng chống dịch bệnh trong nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh và không tuân thủ thời gian ngưng sử dụng kháng sinh trước khi thu hoạch tôm.
- Hai là, do một số ít cơ sở còn sử dụng Urê, Hàn the để bảo quản nguyên liệu thủy sản khai thác nhằm giữ độ tươi; sử dụng Trichlorfon diệt ruồi, muỗi, côn trùng dùng để bảo quản sản phẩm khô.
- Ba là, do một số cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến thực hiện chưa tốt hệ thống quản lý chất lượng, chưa kiểm soát các mối nguy tới hạn tại các công đoạn sản xuất, kiểm soát chưa đầy đủ các loại hóa chất, kháng sinh trong khâu tiếp nhận nguyên liệu hoặc vô ý gây nhiễm trong quá trình sơ chế, chế biến do công nhân sử dụng thuốc bôi da.
Một số Tác hại của dư lượng hóa chất, kháng sinh:
- Một là, Tác hại đối với môi trường nuôi trồng thủy sản: Do một số người dân còn lạm dụng hóa chất trong xử lý nước, cải tạo ao nuôi đã tiêu diệt cả vi khuẩn có hại và vi khuẩn có lợi, gây mất cân bằng hệ sinh thái trong môi trường nuôi; sử dụng kháng sinh không đúng cách trong nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, tạo dòng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, gây nên hiện tượng lờn thuốc, khi tôm có bệnh xảy ra sẽ rất khó điều trị.
- Hai là, Tác hại đối với người tiêu dùng: Khi người tiêu dùng ăn phải sản phẩm thủy sản gây ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ngộ độc, suy tủy, suy gan, suy thận, nếu tích tụ lâu ngày có thể dẫn đến ung thư, đột biến gen.
- Ba là, Tác hại đối với quá trình xuất khẩu: Nếu các thị trường trên thế giới không nhập khẩu tôm nuôi của Việt Nam do nhiễm dư lượng kháng sinh, khi đó thị trường trong nước sẽ không thể tiêu thụ hết sản phẩm tôm nuôi trong dân, dẫn đến giá thành tôm nguyên liệu giảm mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của nước ta, đặc biệt đối với lĩnh vực thủy sản.
Để kịp thời khắc phục tình trạng nhiễm dư lượng kháng sinh trong sản phẩm thủy sản nuôi như khuyến cáo của các thị trường nhập khẩu hiện nay, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và đáp ứng yêu cầu của các thị trường trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
* Đối với Cơ quan nhà nước.
Một là, Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý chuyên ngành, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể có liên quan: Cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền sâu, rộng trong nhân dân đối với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức và phương pháp phù hợp, dễ tiếp thu, để mọi người hiểu rõ hơn và thực hiện đảm bảo theo quy định hiện hành.
Hai là, Tổ chức tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, trong sản xuất, kinh doanh thủy sản.
Ba là, Hướng dẫn cơ sở nuôi trồng thủy sản, thu mua, bảo quản, sơ chế, chế biến nguyên liệu thủy sản áp dụng chương trình quản lý chất lượng, áp dụng quy trình sản xuất tốt, sản xuất theo hướng bền vững.
Bốn là, Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm pháp luật về việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh nuôi trồng, bảo quản, sơ chế và chế biến thủy sản, góp phần khắc phục tình trạng gây nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh như các thị trường cảnh báo hiện nay.
Năm là, Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học - kỹ thuật và công nghệ, sớm chuyển giao những mô hình nuôi tôm hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, để tuyên truyền, hướng dẫn và nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản trong nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, phát huy thế mạnh và tiềm năng của tỉnh.
* Đối với tổ chức cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh.
- Một là, Nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm đối với hoạt động nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, hoạt động bảo quản sản phẩm khai thác và sơ chế, chế biến nguyên liệu thủy sản.
- Hai là, Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cần ghi chép và lưu trữ đầy đủ thông tin có liên quan về sử dụng thuốc, hóa chất, nhằm để phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc đối với những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
- Ba là, Tuyệt đối không sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm hoặc hóa chất, kháng sinh không rõ nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ.
- Bốn là, Phối hợp tốt với cơ quan quản lý chuyên ngành đối với việc thu mẫu phân tích kiểm soát dư lượng, để kịp thời phát hiện và khắc phục các mối nguy về dư lượng hóa chất, kháng sinh; tạo nên sản phẩm sạch, chất lượng, an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu thủy sản trong thời kỳ hội nhập quốc tế./.