Tôm hùm chết hàng loạt
Tại Phú Yên, việc nuôi tôm hùm tự phát với tốc độ phát triển nhanh, mất kiểm soát dẫn đến ô nhiễm môi trường nước, thường xuyên xảy ra dịch bệnh, tôm hùm chết hàng loạt.
Từ tháng 1/2018 đến nay, tôm hùm nuôi tại khu vực Lao Mái Nhà, xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên bị nhiễm bệnh và chết rất nhiều. Thống kê đến giữa tháng 2/2019, số lượng tôm hùm đã chết khoảng 5.600 con, chủ yếu là tôm hùm sao thịt, kích cỡ tôm bệnh và chết từ 300-500 gram mỗi con.
Trước đó, vào tháng 12/2018, tại các vùng nuôi tôm hùm ở 2 phường Cam Thuận và Cam Phú, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa cũng đã xảy ra tình trạng tôm hùm nuôi chết hàng loạt với hơn 6.000 lồng của 100 hộ nuôi, tổng thiệt hại hơn 300 tỷ đồng. Nguyên nhân được xác định là do nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng gây nên dịch bệnh.
Loay hoay giải quyết
Mặc dù thường xuyên xảy ra dịch bệnh nhưng nghề nuôi tôm hùm mang lại hiệu quả kinh tế cao so với các loài thủy sản khác nên người dân vẫn đầu tư tăng số lồng bè nuôi. Tưởng rằng lấy số lượng bù lại phần tôm bị dịch bệnh chết nhưng càng nuôi nhiều, tỷ lệ tôm hùm chết lại càng tăng.
Trước tình hình dịch bệnh xảy ra tràn lan tại các lồng bè nuôi tôm hùm, người dân đã tìm mọi cách, biện pháp để xử lý cứu tôm nhưng vẫn không hiệu quả. Nhiều hộ buộc phải xuất bán tôm non cỡ từ 500 - 600 gram mỗi con với giá 1,2-1,3 triệu đồng/kg, còn tôm chết chỉ bán được khoảng 200-300 nghìn đồng.
Kết luận của Chi cục Thú y vùng IV: tôm hùm nuôi tại vùng biển Lao Mái Nhà bị bệnh đen mang. Sau khi có kết luận, cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên đã có phác đồ phòng và trị bệnh đen mang cho tôm hùm nuôi. Tuy nhiên, tại vùng nuôi tôm hùm Lao Mái Nhà, đa số bà con nuôi chìm, khu vực này lại có sóng biển lớn nên việc trục vớt lồng lên mặt nước để điều trị cho tôm gặp không ít khó khăn.
Như vậy vấn đề chính ở đây là phải tìm mọi cách để dự đoán và phòng trị bệnh cho tôm hùm nuôi, đây là câu chuyện mà người dân nuôi tôm đang rất lo lắng và mong chờ một giải pháp chính thức.