Theo thông tin từ một số doanh nhân ngành hàng cá tra, hiện nay, cá tra Việt Nam XK vào Mỹ đang bị kiểm tra gắt gao về dư lượng Chlorpyrifos. Nguyên nhân là do trong thời gian qua, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phát hiện dư lượng Chlorpyrifos trong một số lô hàng cá tra có xuất xứ từ Việt Nam.
Điều đáng nói là Chlorpyrifos lại là một hoạt chất BVTV chứ không phải kháng sinh hay hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản. Hoạt chất Chlorpyrifos là thuốc trừ sâu nhóm lân hữu cơ, được sử dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp để phòng trừ sâu bệnh. Vì sao Chlorpyrifos lại có mặt trong ao nuôi cá tra, khiến cho nhiều sản phẩm cá tra có dư lượng chất này?
Theo thông tin từ một DN chế biến cá tra, khi DN phát hiện dư lượng Chlorpyrifos trong mẫu cá tra nguyên liệu, xuống hỏi nông dân thì họ khẳng định không sử dụng hoạt chất này trong ao nuôi cá tra. Vì thế, có thể hoạt chất Chlorpyrifos cũng như một số loại thuốc BVTV khác đã xuất hiện trong ruộng lúa do nông dân sử dụng khi phòng trừ sâu bệnh trên lúa. Khi nước từ ruộng lúa chảy ra hệ thống sông, rạch, đã mang theo các loại thuốc trừ sâu. Và khi người nuôi cá tra lấy nước vào ao nuôi, trong nước đã có sẵn những hoạt chất này.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của một chuyên gia trong ngành cá tra, vẫn còn hiện tượng một số nông dân nuôi cá tra sử dụng thuốc BVTV để sát trùng nước trước khi nuôi cá. Sở dĩ có điều này là vì vào mùa mưa lũ, trong nguồn nước sông, rạch… ở ĐBSCL chứa nhiều loại ký sinh trùng, vi khuẩn… gây bệnh cá tra. Hầu hết các hộ nuôi cá tra lại không có ao lắng lọc, sát trùng nước trước khi bơm vào ao nuôi. Do đó, nước thường được đưa thẳng từ sông, rạch vào trong ao nuôi. Để diệt ký sinh trùng trong nước ao trước khi thả nuôi cá tra, một số nông dân đã sử dụng thuốc trừ sâu nhóm lân hữu cơ.
Bên cạnh đó, để giảm lượng cá tra bị loại do trầy xước trong quá trình kéo cá và vận chuyển tới nhà máy, một số nông dân đã sử dụng Chlorpyrifos trước khi cá sắp thu hoạch. Bởi hoạt chất này sẽ khiến cho cá bị ức chế thần kinh, trở nên lờ đờ, ít bơi lội. Trong bối cảnh FDA đã tăng cường kiểm tra gắt gao với dư lượng Chlorpyrifos trong cá tra NK từ Việt Nam, và từ 2/8 tới, Cơ quan Thanh tra và ATTP (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ tiến hành thanh tra 100% lô hàng cá da trơn NK, các DN chế biến cá tra XK sang Mỹ đã phải bắt tay lấy mẫu kiểm tra ở 100% ao nuôi mà DN thu mua. Tuy nhiên, do máy móc, thiết bị kiểm tra ở Việt Nam chưa hiện đại như ở Mỹ, nên nguy cơ vẫn có những lô hàng cá tra bị cơ quan chức năng nước này phát hiện có dư lượng Chlorpyrifos cũng như các hoạt chất BVTV khác vượt mức quy định ở Mỹ, là không nhỏ.
Trong thời gian qua, nhiều lô hàng nông sản XK của Việt Nam đã bị cảnh báo dư lượng Chlorpyrifos ở một số thị trường khó tính. Năm ngoái, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã phát hiện dư lượng Chlorpyrifos vượt mức cho phép trong lô hàng ngò tây sấy khô được NK từ Việt Nam. Từ sự việc đó, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã quyết định nâng tần suất kiểm tra từ 5% lên 50% đối với các lô hàng ngò tây đã qua sơ chế có nguồn gốc từ Việt Nam.