Đấy là chưa nói đến rập bát quái có khả năng "bắt" được cả vật nhỏ như trứng cá, vì thế từ biển Tây đến Vũng Tàu, từ Bình Thuận ra Nha Trang, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, ngư dân bỏ biển vì thu không đủ chi.
Vũng Tàu: tận diệt cá nhỏ để làm phân
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, từng phát biểu nhấn mạnh và rất bức xúc trước nạn đánh bắt cá nhỏ, gần bờ để làm cá phân.
Theo quan sát của Tuổi Trẻ, tại Vũng Tàu có rất nhiều tàu ghe cỡ nhỏ (dưới 90CV) chuyên đánh bắt hải sản bằng giã cào và rập bát quái, một ngư cụ xuất xứ từ Trung Quốc.
"Địa bàn" hoạt động của những loại ghe này thường kéo dài dọc sông Dinh ra đến cửa Sao Mai và vùng biển cách bờ Vũng Tàu chỉ chưa đầy chục hải lý. Những loại ghe này thường hoạt động vào ban đêm đến rạng sáng để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Một chủ của ba tàu cá lưới rê, đánh bắt xa bờ ở Vũng Tàu cho biết sản lượng hải sản của anh những năm gần đây cứ giảm dần mỗi năm từ 20-30% vì giã cào, rập bát quái đã tận diệt hết nguồn lợi thủy sản.
"Tôi là người trong nghề, là ngư dân nhưng khi chứng kiến cảnh đánh bắt hải sản bằng giã cào, rập bát quái cũng nóng ruột. Không một con gì, dù nhỏ bằng ngón tay, thoát được loại lưới này".
Theo anh này, một con cá thu lớn hết cỡ được khoảng 10kg, có thể bán được tiền triệu nhưng nghề giã cào bắt luôn từ lúc cá chỉ vài gram. Còn các loại cá nhỏ dùng để làm phân chỉ bán được vài ngàn một ký. Những loại không dùng được thì vứt bỏ. Vài năm nay, một số loài như cá bơn, cá bẹ đã "tuyệt tích".
Ông Nguyễn Đình Ngọc, chủ tàu cá lưới rê xa bờ ở Vũng Tàu, cũng rất bức xúc và lo lắng trước nạn đánh bắt hải sản "mạnh ai nấy đánh". Lưới rê là loại lưới đã được đăng ký tại Tổng cục Thủy sản, còn rập bát quái hay còn gọi là rập xếp thì "bắt được cả trứng của cá", vì thế mức độ tận diệt là "rất kinh khủng". Những năm gần đây, mỗi chuyến đánh bắt xa bờ, ông Ngọc "chỉ mong hòa và lời chút đỉnh là mừng lắm rồi".
"Đánh bắt tận diệt sẽ để lại hậu quả kinh khủng lắm. Nếu như cứ đánh bắt kiểu này thì con cháu sau này không có hải sản để ăn, chứ nói chi chuyện xuất khẩu", ông Ngọc nói và đề nghị phải cấm tuyệt đối kiểu tận diệt kiểu giã cào, rập bát quái, chích điện, thuốc nổ...
Ngư dân bỏ biển
Ông Nguyễn Đức Hoàng, phó chi cục trưởng Chi cục thủy sản Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết tỉnh có gần 6.000 tàu cá trên 90CV đánh bắt xa bờ thì có đến hơn 1.600 tàu đánh bắt bằng nghề giã cào (lưới kéo).
"Biển quá tải, nguồn lợi thủy sản bị hủy diệt vì nghề giã cào", ông Hoàng cho biết.
Trước thực trạng này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có chương trình, kế hoạch để chuyển đổi nghề lưới kéo sang các nghề khác và đến năm 2020 sẽ chấm dứt nghề này cũng như cấm hẳn nghề lưới rập. Đồng thời sẽ có chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn chuyển đổi cũng như sắp tới sẽ cho ngư dân đăng ký đi đánh bắt hải sản viễn dương theo chương trình của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Ông Hoàng cho biết việc kiểm tra, phát hiện những nghề đánh bắt hải sản tận diệt gặp khó vì lực lượng kiểm ngư quá mỏng.
"Để phát triển kinh tế biển bền vững và lâu dài, chắc chắn phải cơ cấu lại và đặc biệt là phải nuôi biển" - ông Trần Văn Cường, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu, nói.
Đánh bắt hải sản tận diệt bằng lưới rập bát quái trên biển Vũng Tàu vào rạng sáng một ngày tháng 9-2018 - Ảnh ĐÔNG HÀ.
Không chỉ ở Bà Rịa - Vũng Tàu, vùng biển Nha Trang (Khánh Hòa) cũng đang chứng kiến "thảm cảnh" tận diệt đó. Suốt hai tuần nay, tàu cá của ông Võ Ngọc Tùng, chủ tàu KH 97179TS, công suất 820CV trị giá 8,7 tỉ đồng, đang phải nằm bờ tại cảng Hòn Rớ (TP Nha Trang) vì không có lao động đi biển.
Ông Mai Thành Phúc - ngư đội trưởng ngư đội Trường Sa Lớn, chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Phước Đồng (Nha Trang) - cho hay hiện nay có những người hàng chục năm đi biển nhưng vẫn bỏ nghề biển, nguyên nhân bởi công việc vất vả, thu nhập không ổn định. Nghề biển có khi bám biển gần cả tháng nhưng gặp chuyến không có cá, thua lỗ, ngư dân trở về trắng tay. Bình quân thu nhập từ nghề đi biển cũng khá thấp, chỉ từ 3-5 triệu đồng mỗi tháng.
Trong khi đó có rất nhiều việc làm ở Nha Trang chỉ cần là lao động phổ thông mỗi tháng đã kiếm được 5-6 triệu đồng. Vậy là dù số tàu cá đóng mới tăng, nhưng ngược lại số lao động đi biển giảm.
Theo ông Phúc, nghiệp đoàn quản lý 32 tàu thì lao động thật sự bám trụ với nghề chỉ còn 2%, số lớn tuổi đều tìm về các khu đô thị, quán cà phê xin làm bảo vệ, bưng bê... không còn mặn mà với biển. "Nếu tiếp tục tình trạng này, không hiện đại hóa nghề cá, giảm bớt sức lao động thì sắp tới đây nghề cá sẽ bị tê liệt" - ông Phúc nói.
Ông Võ Khắc Én, phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, cho biết từ năm 2014 Khánh Hòa đã cấm tất cả các nghề lưới kéo, trong đó có giã cào, cào sò trên đầm, vịnh trong tỉnh. Hiện tỉnh có 9.800 tàu cá các loại, trên 30.000 lao động, trong đó chỉ khoảng 30% người lao động biển ở địa phương thực sự bám nghề truyền thống vững chắc, còn lại chỉ là thời vụ.