Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang vào đầu mùa nước nổi, hiện mực nước đo được tại các trạm khu vực đầu nguồn đang lên nhanh với cường suất từ 2 – 7cm/ngày đêm. Theo con nước từ thượng nguồn, nhiều loại tôm, cá… sản vật của mùa lũ đã tạo công ăn việc làm cho người dân hành nghề đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay tại nhiều tuyến kênh, sông ở các huyện đầu nguồn Đồng Tháp đã và đang xảy ra tình trạng khai thác thủy sản bằng xung điện, ghe cào điện… tận diệt nguồn thủy sản, phá hoại ngư cụ của người dân, gây ảnh hưởng đến môi trường…
Ghe cào điện, bức người nghèo
Những ngày này, đi dọc tuyến QL30 qua các huyện Tam Nông, Thanh Bình rồi ngược lên các khu vực giáp biên giới của huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), điều dễ nhận thấy là tình trạng đánh bắt thủy sản bằng xung điện đang diễn ra rầm rộ ngay giữa ban ngày.
Tại tuyến kênh Tân Công Sính (Tam Nông), những chiếc ghe cào cá bằng xung điện đậu dọc 2 bên bờ kênh. Theo người dân địa phương, năm nào cũng vậy, khi nước ngoài kênh, sông tràn đồng, thì lại có đoàn ghe cào có sử dụng xung điện khoảng 5, 6 chiếc, trang bị động cơ xe hơi (loại đã qua sử dụng) nối với máy phát điện gắn vào giàn cào rộng 5-6m, chia nhau càn quét đồng nước. Nơi nào ghe cào quét qua thì nơi đó cá tôm đều bị bắt sạch hoặc chết sạch. Các ghe cào này hoạt động đánh bắt thủy sản bằng xung điện cả ngày lẫn đêm, vừa tận diệt nguồn thủy sản, còn lại nhiều dụng cụ, như: lưới, dây câu của người dân cũng bị “cào sạch”.
Anh Út Phong (ngụ xã Tân Công Sính) bức xúc: “Mùng cá bông nhà tui nuôi chưa kịp lớn, cũng bị ghe cào rách lưới, cá theo con nước ra ngoài hết. Chạy theo đòi bồi thường, chúng còn đòi đánh. Cá nuôi dưới sông ghe cào điện cào riết cá gần như bị chay không lớn nổi. Tôi nghe nói ghe cào sử dụng điện đến 280V, tôi ngồi rửa chén gần bờ, ghe cào chạy ngang mà còn bị điện giật tê hai bàn tay”.
Còn chị Nguyễn Thị Thu (ngụ xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự), ngồi phía sau nhà thẫn thờ, vì 2 tay lưới chị vừa mua giăng ở mé kênh sau nhà cũng bị ghe “cào mất”. “Đây là lần thứ 3, tay lưới của chị bị ghe cào điện “ăn mất”. Xót của, nhưng chị không biết tìm ai để bắt đền”, chị Thu nói.
Đe dọa, tấn công cả lực lượng chức năng
Chỉ vào vết thương vẫn còn đau nhức vì bị các đối tượng khai thác thủy sản bằng xung điện tấn công, anh Nguyễn Văn Hiệp, nhân viên bảo vệ trong khu vực Vườn quốc gia Tràm Chim kể lại: Trong quá trình anh cùng lực lượng dân quân đi kiểm tra tại khu A2, thì phát hiện có 21 đối tượng đang sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản trái phép nên đã truy quét và quyết liệt ngăn cản. Tuy nhiên, nhóm đối tượng đã dùng xiệc điện tấn công khiến anh và một đồng nghiệp bị thương nặng, phải nhập viện cấp cứu, một vài người khác bị thương.
“Một đối tượng dùng cần điện chích vào người, tôi té xuống. Lúc ấy đối tượng thấy tôi còn cử động nên tiếp tục chích điện vào người tôi đến khi tôi nằm bất tỉnh, may mà anh em phát hiện hỗ trợ và đưa tôi đi bệnh viện điều trị tôi mới thoát chết”, anh Hiệp nói.
Cũng cách đây không lâu, lực lượng bảo vệ Vườn quốc gia Tràm Chim tịch thu được các dụng cụ dùng để khai thác cá. Nhưng đến chiều cùng ngày, một tốp khoảng 30 người kéo đến trạm tấn công lực lượng bảo vệ, mang tất cả dụng cụ chạy thoát. Ông Nguyễn Thanh Phong - Phó trưởng Phòng Bảo vệ tài nguyên Vườn quốc gia Tràm Chim cho hay, từ đầu năm 2012 đến nay đã xảy ra vụ thứ 3 xâm nhập trái phép vào Vườn quốc gia. Các đối tượng thường đi tập trung thành đoàn, mỗi đoàn từ 10 đến 50 đối tượng, tất cả đều dùng khẩu trang che mặt để lực lượng không dễ nhận ra. Nếu bị truy bắt thì các đối tượng bất chấp thủ đoạn cùng hợp sức quyết liệt chống trả.
Anh Nguyễn Văn Tuấn - Phó trưởng Công an xã Tân Công Sính cho biết, các đối tượng cào ghe điện thường hoạt động rất tinh vi vào buổi trưa hoặc khoảng vào 1h sáng. Nhiều lần lực lượng Công an xã kết hợp cùng Bộ đội Biên phòng đi kiểm tra, nhưng khi lực lượng đến nơi thì chiếc dynamo kích điện đã được chúng tháo giấu dưới khoang ghe đục hoặc ném xuống sông.
Đại tá Dưỡng Hữu Nghĩa – Trưởng Công an huyện Tam Nông cho biết, người dân vẫn chưa nhận thức đúng về tác hại của việc sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản trên các kênh rạch, sông nước khiến các loài thủy sản bị tận diệt, không phát triển được. Còn lại là một số trường hợp vì lợi nhuận trước mắt bất chấp các quy định, sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản trên các kênh rạch, sông ngòi. Công an huyện đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm, đánh bắt thủy sản bằng xung điện. Tuy nhiên, tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện vẫn còn tái diễn tại một số địa phương