Ông Đinh Văn Thành, xóm Mực, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc cho biết: Trước đây, một đêm thả câu, thả lưới hay gõ thuyền cũng kiếm được hàng yến cá. Nhiều nhất là cá mè, trắm, trôi. Thỉnh thoảng cũng được vài con cá rầm xanh, chiên, lăng, anh vũ. Lúc đó cá chưa bán được giá cao như bây giờ. Hôm nào được nhiều thì bán đổ đồng một giá. Mấy năm nay khó kiếm cá quá! Một phần vì nhiều người đánh bắt, phần vì phương tiện đánh bắt cá hiện đại hơn. Họ dùng cả thuốc nổ, kích điện, thả lưới vét… thuyền trước nổ mìn, thuyền sau vớt cá. Đánh bắt theo kiểu hủy diệt thì cá nào mà lớn kịp.
Ông Xa Văn Chính, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Hiền Lương, Đà Bắc than phiền: Toàn xã có trên 300 hộ ven hồ, thì có 1/2 hộ trang bị thuyền, lưới đánh bắt cá, tôm. Nhưng do ý thức hạn chế, nên chủ thuyền thường dùng phương pháp đánh bắt hủy diệt như nổ mìn, kích điện. Đánh bắt như vậy cá chết chìm rất nhiều, cá bé không phát triển được, cá mẹ bị ung trứng, chết. Nguy hại nhất là vó bè. Một mẻ vó ít cũng được chục cân cá tép. Mẻ nhiều lên đến tạ, hơn tạ. Loại cá này chỉ to bằng ngón tay, thậm chí bé như que diêm, lá tre, lúc đông vụ, bán như cho, 2.000 - 3.000 đồng/kg. Buổi sáng ra bến nhìn chủ thuyền đổ cá thành từng đống trên đất mà xót của.
Tìm hiểu được biết, hiện trên hồ Hòa Bình có khoảng 1.500 thuyền lớn nhỏ hoạt động khai thác thủy sản, trên 1.200 tấm lưới thường và khoảng 1.000 tấm lưới 3 lớp và hàng trăm vó bè. Một năm lượng cá bị khai thác lên đến hàng trăm tấn. Những loài cá quý hiếm như rầm xanh, anh vũ, chiên, quất, ngạnh, mỗi năm bị khai thác không dưới 40 tấn/loài cá.
Ông Xa Văn Định, xóm Bờ, xã Vầy Nưa nói vui: Về Hà Nội mua cá rầm xanh, cá anh vũ dễ hơn vùng hồ. Xóm Bờ sống khá giả là nhờ cá hồ Hòa Bình. Bây giờ nhiều nhà phải gác mái chèo, phơi lưới lên sào!.
Do nguồn lợi thủy sản suy giảm, người dân vùng hồ Hoà Bình chuyển từ nghề khai thác sang nghề nuôi cá lồng. Nhiều hộ có 4 - 5 lồng cá, một vụ thu lãi 30 - 40 triệu đồng. Tuy nhiên, cá lồng năng suất cao, nhưng giá trị kinh tế không bằng cá tự nhiên trên hồ.
Để bổ sung nguồn lợi thủy sản trên hồ Hòa Bình, từ năm 2002 đến nay, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hòa Bình tổ chức thả trên 100 tấn cá giống các loại bổ sung cho hồ Hòa Bình. Cuối tháng 10/2015, đã thả 57.100 con cá, gồm các giống: Chày mắt đỏ, mè hoa, mè trắng, ngạnh, bỗng.
Nếu chỉ thả bổ sung mà không có biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng khai thác thủy sản quá mức, hủy diệt thì khó khôi phục lại được nguồn lợi thủy sản trên hồ Hòa Bình như trước đây. Và, liệu hồ Hòa Bình có còn là cánh đồng màu mỡ để người dân vùng hồ thu hái sản phẩm?
Hồ Hòa Bình có diện tích trên 16.700 ha. Đây là tiềm năng lớn để Hòa Bình phát triển ngành Thủy sản. Trong hồ có nhiều loài cá quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như: rầm xanh, anh vũ, chiên, lăng, ba ba gai, chày… Theo số liệu khảo sát của ngành Thủy sản Hòa Bình, vào thời điểm năm 2002, trên lưu vực sông Đà, hồ Hòa Bình có trên 170 loài cá, thuộc 85 giống, trong đó nhiều loài, phong phú về giống là cá chép, chiếm trên 70% tổng loài cá.