Đó là những câu rao “độc quyền” tại các phiên đấu giá cá ngừ và các hải sản, rau củ quả… tại chợ sỉ trung tâm lớn nhất thành phố Sapporo (Hokkaido, Nhật Bản). Phóng viên NTNN đã trực tiếp tham dự vào cuộc đấu giá nảy lửa này.
Quy mô, nguồn thu... khủng
Trong chuyến công tác kéo dài 18 ngày tại Nhật Bản hồi đầu tháng 10.2013 vừa qua, tôi may mắn được biết đến chợ sỉ lớn nhất thành phố Sapporo (Hokkaido, Nhật Bản). May mắn hơn khi tôi gặp được anh bạn đồng hương tên Hùng ở Đông Anh (Hà Nội). Anh Hùng sống ở Nhật Bản đã 5 năm nay, nên anh rất sõi đường, cũng như những hoạt động trên đất nước “Mặt trời mọc – xứ sở hoa anh đào” này. Qua thông tin từ ông Takahashi Mina – người phụ trách chợ sỉ Sapporo về những hoạt động của chợ và qua lời kể của anh Hùng khiến tôi hứng thú và tò mò vô cùng.
Ông Takahashi cho biết, chợ sỉ trung tâm Sapporo là chợ lớn thứ 17 Nhật Bản và là chợ lớn nhất Hokkaido được thành lập năm 1959, diện tích 10,3ha và chia thành khu điều hành; khu thủy sản; rau quả; bãi đỗ xe và bãi rác thải… theo một hệ thống khép kín. Ông Takahashi chia sẻ: Hàng thủy sản và rau quả là loại hàng hóa có số lượng thu hoạch lớn, ít nhiều chịu ảnh hưởng của thời tiết, hơn nữa lại rất khó bảo quản trong thời gian dài, nên giá trị thay đổi tùy theo độ tươi của sản phẩm. Do đó, việc thu nhận hàng thực phẩm tươi sống với nhiều chủng loại, số lượng lớn từ nơi sản xuất, rồi tiến hành giao dịch một cách công bằng, hợp lý đến các nhà bán sỉ, lẻ để lưu thông sản phẩm là hết sức cần thiết.
Được biết chợ sỉ Sapporo ra đời với 5 chức năng chính như: Chức năng gom hàng với đầy đủ các loại thực phẩm tươi sống; định mức giá một cách nhanh chóng, công bằng và hợp lý bằng phương pháp đấu giá hoặc thỏa thuận giá; phân chia hàng ổn định, bằng cách phân chia cho các nhà bán lẻ một cách hợp lý, tránh tình trạng khan hàng người bán lẻ đẩy giá lên cao; quyết toán tiền hàng một cách nhanh chóng, chính xác và chức năng thu thập truyền đạt các thông tin về sản xuất và tiêu dùng để người bán lẻ, người tiêu dùng biết. Ngoài ra chợ sỉ còn đảm nhiệm vai trò kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và giảm chi phí vận chuyển cho chủ hàng do xử lý với số lượng lớn…
“Chợ đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho 2,3 triệu dân thành phố Sapporo và tiếp nhận các sản phẩm của vùng Hokkaido cung cấp cho cả nước. Tổng doanh thu của chợ khoảng 600 triệu yên/ngày, trong đó thu từ thủy sản 400 triệu yên và 200 triệu yên từ rau quả (tương đương 13 tỷ đồng). Chợ thu phí 8% đối với hải sản và 7,5% nông sản (1,03 tỷ đồng)” – ông Takahashi cho hay.
Mưu sinh sau 0 giờ
Chợ bắt đầu hoạt động từ 0-9 giờ sáng mỗi ngày. Kể từ 0 giờ, người quản lý sẽ mở cửa chợ để các chủ hàng từ khắp nơi đưa hàng về tập kết ở những vị trí được phân theo loại thủy sản, nông sản, hoa quả… Từ 3- 5 giờ các nhà bán sỉ trung gian sẽ đi kiểm tra sơ bộ các mặt hàng trước khi đấu giá. 5 giờ 15- 7 giờ các điểm tập kết hàng bắt đầu đấu giá. Thông thường, các mặt hàng thủy sản sẽ đấu giá trước và cuối cùng là đấu giá hàng nông sản, rau củ quả. Sau 7 giờ thì việc đấu giá kết thúc, nhà bán sỉ sẽ giao hàng cho nhà bán sỉ trung gian, người mua hàng và tiến hành dọn vệ sinh chuẩn bị cho phiên chợ hôm sau.
Hokkaido nằm ở phía Bắc, là nơi lạnh nhất nước Nhật, đầu tháng 10 tuyết bắt đầu rơi trên những đỉnh núi, còn ở núi Phú Sỹ - kỳ quan thiên nhiên thế giới thì cuối tháng 8 đã có tuyết rơi trắng đỉnh núi. Về đêm, thời tiết ở Sapporo tụt xuống 3 – 4 độ C lạnh buốt vô cùng. Vì chưa quen với khí hậu lạnh, nên mũi của tôi lúc nào cũng đỏ như… quả cà chua, còn cổ họng thì bị viêm nặng ho sặc sụa như… khỉ ăn ớt vậy. Nhưng khi “máu nghề” nổi lên, tôi quyết thuyết phục bằng được Hùng đưa tôi đến thị sát ngôi chợ đặc biệt này. Lúc đầu Hùng tỏ ra ái ngại, nhưng có lẽ vì nể tôi là đồng hương, là nhà báo chẳng mấy khi có dịp sang Nhật, nên anh đã nhận lời.
Chiều hôm đó, tôi và Hùng ngủ để dưỡng sức cho trận chiến đêm nay. 11 giờ 20 tôi và Hùng xuất phát, mất 25 phút đi taxi thì đến. Lúc này ở cổng chợ đã có hàng trăm xe hàng tập kết về. Đúng 12 giờ đêm, cánh cổng chợ mở, những xe hàng lần lượt được đưa vào chợ theo vị trí của từng loại hàng. Tôi lôi Hùng đi khắp chợ, xem đủ các gian hàng, giờ nhiều lúc nghĩ lại thấy nể người bạn đồng hương xa xứ quá. Hùng cho biết, tất cả các mặt hàng đầu được mua bán dưới hình thức đấu giá, nhưng màn đấu giá gay cấn, “nảy lửa” nhất là đấu giá cá ngừ. Tôi xui Hùng vào hỏi người bán sỉ ở gian cá ngừ xem mấy giờ thì đấu giá. Anh Hitabe vui vẻ cho hay 5 giờ 30 bắt đầu đấu giá. Chà, chờ đến lúc đó thì còn đâu đêm nữa. Tôi kéo Hùng ngồi xuống, lôi trong túi ra ổ bánh mì và mấy cái xúc xích, hai anh em ngồi gặm ngon lành, rồi tôi thiếp đi lúc nào không hay.
Phiên đấu giá… “đặc biệt”
Đang thiu ngủ, thì Hùng đánh cái đét vào đùi. “Đến giờ đấu giá cá ngừ rồi”. Tôi vùng dậy, xách máy ảnh lao về gian hàng cá ngừ. Lúc này tại gian hàng thủy sản đã bắt đầu rầm rộ tiếng rao đấu giá của người bán sỉ. Mỗi người tham gia đấu giá cầm một cái bảng và cây bút, khi người bán sỉ phát giá khởi điểm họ sẽ ghi giá vào bảng, chờ lệnh rồi đồng loạt giơ lên. Thông thường lặp lại 3 lần như vậy, nếu ai phát giá cao hơn sẽ thắng. “Hôm nay cá thu giá khởi điểm 5.000 yên/kg (tương đương 1,1 triệu đồng), ai trả cao hơn nào? Anh này trả 5.100 yên, anh này 5.200 yên. Có ai trả cao hơn không. Tôi thấy anh kia trả 5.500 yên, có ai trả cao hơn không, có ai trả cao hơn không, có ai trả cao hơn không… Giá chốt là 5.500 yên/kg” – người bán sỉ rao. Sau khi đấu giá thắng, người bán sĩ sẽ ghi giá và mã số người đấu thắng vào sổ, rồi chuyển sang đấu giá mặt hàng khác, không khí náo nhiệt như đi hội vậy.
Vừa kết thúc phiên đấu giá thủy sản, thì đến phiên đấu giá cá ngừ. Những con cá nặng hàng yến, thậm chí cả tạ được bày thành hàng trên bàn, theo kích cỡ, cân nặng. Sau khi tiếng chuông báo hiệu phiên đấu giá cá ngừ bắt đầu, có đến hàng chục người bán sỉ trung gian, người mua hàng đứng vây quanh người rao bán sỉ. Khác với những phiên đấu giá mặt hàng khác, do giá trị của cá ngừ lớn, hơn nữa số lượng có hạn, nên việc đấu giá cá ngừ phiên nào cũng diễn ra rất căng thẳng. Những người đấu giá giằng nhau từng giá và thường giá chốt được đẩy lên rất nhiều so với giá khởi điểm. Người bán sỉ đứng cao rao to: “Giá khởi điểm 11.000 yên/kg (tương đương 2,4 triệu đồng), có ai mua cao hơn không nào”. Rồi chỉ tay về những người đấu giá. “Anh này mua 11.500, anh kia mua 12.000, anh kia mua 12.500. Có ai mua giá cao hơn nữa không?”.
Hứng thú, tôi nhờ Hùng thông ngôn rồi mượn cái bảng của anh Takishi. Tôi xin với anh Takishi cho tôi thử cảm giác cầm bảng một lần. Không hiểu sao lúc đó Takishi lại đồng ý. Anh đặt bút ghi 12.600 yên/kg và tôi hứng khởi giơ lên. Điều ngạc nhiên là bảng tôi cầm có giá cao nhất. Thắng cuộc, Takishi hồ hởi bắt tay tôi. “Arigato gozaimasu”, có nghĩa là xin cảm ơn. Có lẽ anh nghĩ, nhờ tôi giơ bảng hộ mà anh đã may mắn thắng cuộc, nhưng đáng ra tôi phải là người cảm ơn anh mới phải. Bởi nếu không có anh, tôi sẽ không có được cảm giác của người tham gia đấu giá cá ngừ đại dương tại Nhật Bản.
Áp dụng bài cũ, tôi lân la xin đấu giá hàng nông sản, rau củ quả, nhưng chẳng ai cho tôi cầm bảng hộ cả. Khi thông tin, hình ảnh đã đủ và cái bụng liên tục sôi lên òng ọc, tôi kéo Hùng ra về, nhìn lại đồng hồ đã 6 giờ 30 sáng.