Trong khi đó, lực lượng cán bộ thú y chuyên về công tác thủy sản từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu. Ngoài ra, chính quyền ở những địa phương có diện tích NTTS nhỏ còn buông lỏng, chưa quan tâm đến công tác thú y thủy sản.
Nhận thức về thú y thủy sản của các chủ hộ nuôi còn hạn chế, khi mua giống ít quan tâm đến nguồn gốc, giấy chứng nhận kiểm dịch. Từ những hạn chế trên đã gây không ít khó khăn cho Chi cục Thú y khi thực hiện công tác thú y thủy sản hằng năm.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y đã phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản, Phòng NTTS (Sở NN và PTNT) tổ chức kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh, vệ sinh thú y tại 20 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản…
Khi phát hiện có dịch bệnh trên đối tượng nuôi ở các địa phương, hộ NTTS, Chi cục đều cử cán bộ có mặt kịp thời để hướng dẫn biện pháp xử lý, bảo đảm dịch bệnh không lây lan, phát sinh thêm. Trong tháng 5 và 6-2015 tại một số vùng nuôi tôm của các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường đã xảy ra hiện tượng tôm chết.
Qua kiểm tra, nguyên nhân tôm chết được xác định một là do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao đột biến so với mọi năm, đồng thời xác định được vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp, vi-rút đốm trắng tại các ao nuôi có tôm bệnh.
Chi cục Thú y đã có văn bản chỉ đạo, cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với các địa phương hướng dẫn người NTTS thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh và cấp 1.500kg Chlorine để khử trùng môi trường, kịp thời dập dịch, không để lây lan ra diện rộng.
Thực hiện nhiệm vụ giám sát động vật thủy sản, đến nay, Chi cục đã hoàn thành kế hoạch giám sát bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp trên tôm năm 2015 với 13 đợt thu mẫu tại 30 hộ nuôi tôm trên địa bàn 2 huyện Giao Thủy và Hải Hậu; tổng số mẫu đã thu là 290 mẫu tôm thẻ chân trắng, 4 mẫu giáp xác, 330 mẫu nước, 300 mẫu bùn.
Kết quả phân tích có 18 mẫu tôm, 34 mẫu nước, 33 mẫu bùn dương tính với vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp; không phát hiện vi khuẩn gây bệnh đốm trắng ở các mẫu kiểm tra; 24 mẫu nước có hàm lượng NO2 cao hơn giới hạn nuôi tôm, 9 mẫu có độ kiềm nằm ngoài giới hạn cho phép nuôi tôm, 30 mẫu nước có hàm lượng oxy hòa tan thấp hơn giới hạn nuôi tôm.
Căn cứ vào kết quả xét nghiệm, Chi cục đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và người nuôi có những biện pháp đối phó kịp thời với những biến đổi của môi trường, nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại cho người nuôi và kinh tế địa phương.
Để tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hiệu quả dịch bệnh động vật thủy sản, Chi cục Thú y đã triển khai các nội dung công tác thú y thủy sản đến các huyện, xã, hộ nuôi; hướng dẫn các cơ sở nuôi thủy sản thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, tuân thủ lịch thời vụ; sử dụng các loại hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh trước, trong và sau mỗi vụ nuôi.
Trong quá trình nuôi chỉ sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học, kháng sinh, hóa chất nằm trong danh mục được phép lưu hành của Bộ NN và PTNT… Tổ chức kiểm dịch đối với tất cả các loại giống thủy sản trước khi xuất khỏi trại sản xuất giống của tỉnh. Các địa phương chỉ đạo, phân công cán bộ theo dõi, giám sát dịch bệnh đến tận các vùng nuôi nhằm phát hiện sớm và báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh thủy sản.
NTTS đem lại lợi nhuận lớn cho người nuôi, song nếu gặp dịch bệnh hoặc thời tiết bất thuận người nuôi có thể “trắng tay” chỉ sau một vụ.
Do vậy, để công tác thú y thủy sản phát huy hiệu quả, chính quyền các cấp, các ban, ngành chức năng có liên quan cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện, phối hợp chặt chẽ với ngành chuyên môn.
Các doanh nghiệp, hộ sản xuất, NTTS phải thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh; tuân thủ sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng về kỹ thuật cải tạo ao đầm, lịch thả giống thủy sản… để bảo đảm cho những vụ nuôi thắng lợi.