Thưa ông, vụ việc ngư dân Quảng Ngãi bị bắn chết trên biển, hiện các cơ quan chức năng đã điều tra và có kết luận chưa?
Vụ việc ngư dân Quảng Ngãi bị bắn chết hiện có 2 lực lượng là Biên phòng và Cảnh sát biển được giao nhiệm vụ điều tra vụ việc. Biên phòng là lực lượng được giao nhiệm vụ điều tra ban đầu và báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền. Tuy khung pháp lý để thực hiện nhiệm vụ điều tra các vụ việc như trên của lực lượng Kiểm ngư đang được hoàn thiện, nhưng trước vụ việc trên lãnh đạo Cục đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các lực lượng có liên quan như: Biên phòng, Cảnh sát biển, Bộ Ngoại giao triển khai công tác xác minh vụ việc để sớm báo cáo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thưa ông, thời gian qua lực lượng Kiểm ngư gặp những khó khăn gì khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ngư dân khai thác thủy sản xa bờ?
Thời điểm này biển động, gây nhiều bất lợi cho ngư dân khi hoạt động trên biển. Tuy nhiên, thời điểm này ngư dân lại cảm thấy là gặt hái được hiệu quả nên vẫn bám trên ngư trường truyền thống để khai thác, đánh bắt. Vì vùng biển quá rộng, lực lượng Kiểm ngư hiện diện ở nhiều vùng biển khác nhau, không thể nào phổ rộng hết được. Cũng như vậy, Cảnh sát biển, Biên phòng đều hoạt động ở trên biển nhưng cũng không thể hiện diện ở khắp mọi nơi được. Mặt khác, tàu của Kiểm ngư đang còn phải đóng và tăng cường lực lượng; ngoài ra, ngư dân cũng chưa phối hợp chặt chẽ và báo cho Trung tâm Thông tin Kiểm ngư.
Hiện thông tin chủ yếu về tới bờ báo cho Biên phòng hoặc báo cho cơ quan quản lý thuỷ sản tại địa phương nhưng lại không thông tin cho Trung tâm Thông tin của lực lượng Kiểm ngư. Hiện nay chỉ có 15% ngư dân khai thác thủy sản xa bờ báo thông tin hoạt động về bờ theo quy định, còn lại 85% ngư dân tắt định vị và không cung cấp thông tin kịp thời. Đây là điều vô cùng nguy hiểm bởi các lực lượng chức năng không nắm được thông tin, vị trí tàu hoạt động, vì vậy khi nhận được tin báo, hầu hết là sự việc đã trôi qua và không thể ứng cứu kịp. Ngoài ra, còn rất nhiều khó khăn khác như trong điều kiện Biển Đông đang nóng, ngân sách nhà nước có hạn, cũng phải tập trung cho các nhiệm vụ khác và tập trung cho nhiệm vụ đóng tàu…
Để có thể tự ứng cứu khi gặp sự cố trên biển trước khi được cơ quan chức năng hỗ trợ, ông có lời khuyên gì đối với ngư dân hoạt động khai thác hải sản xa bờ, thưa ông?
Để có thể tự ứng cứu khi gặp sự cố trên biển trước khi được cơ quan chức năng hỗ trợ, ngư dân trước lúc đi biển cần phải thông báo và làm thủ tục đầy đủ với các cơ quan có thẩm quyền để khẳng định việc mình đi đánh bắt thủy sản hợp pháp. Đặc biệt là phải thông báo kịp thời cho các cơ quan có thẩm quyền khi gặp sự cố. Khi gặp sự cố thì ngư dân có thể báo về bờ với các cơ quan như biên phòng và Chi cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản của tỉnh đó. Còn trong trường hợp khẩn cấp, ngư dân có thể gọi điện thoại cho trung tâm cứu hộ, cứu nạn hàng hải, Trung tâm thông tin Kiểm ngư.
Bên cạnh đó, ngư dân trong các chuyến biển tiếp theo khai thác hải sản ở các vùng biển xa bờ cần tổ chức khai thác theo tổ đội như khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong trường hợp đặc biệt, bà con ngư dân đi khai thác đơn lẻ thì phải quan sát, cảnh báo kịp thời để ngăn chặn kịp thời những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Đi biển, làm thủy thủ, ngư dân là một nghề đầy hiểm nguy. Ngư dân cũng cần phải không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề, khả năng ứng phó, tự bảo vệ mình trước dông bão cũng như trước những sự cố xảy ra. Đặc biệt, trong tình hình mới, sự phức tạp trên Biển Đông, người dân cần nâng cao cảnh giác. Chỉ có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa lực lượng bảo vệ biển, bảo vệ ngư dân và ngư dân, tạo nên phòng tuyến vững chắc, mới giúp ngư dân thực sự yên tâm bám biển, vươn khơi, bảo vệ chủ quyền.
Để bảo vệ ngư dân trên biển, trong thời gian tới lực lượng Kiểm ngư có những kế hoạch gì, thưa ông?
Trong năm 2015, Cục Kiểm ngư đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản trên các vùng biển; nắm bắt tình hình tàu cá nước ngoài, tàu cá Việt Nam hoạt động trên các vùng biển thuộc chủ quyền nước ta; phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản của tàu cá Việt Nam và tàu cá nước ngoài, duy trì sự ổn định hoạt động nghề cá trên các vùng biển góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Đồng thời tuyên truyền pháp luật thủy sản và Kiểm ngư, hướng dẫn ngư dân nước ta khai thác thủy sản đúng pháp luật, hỗ trợ ngư dân, làm chỗ dựa cho ngư dân khai thác thủy sản trên biển; tham gia tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống thực tế xảy ra trên biển.
Sự có mặt của lực lượng Kiểm ngư trên biển đã tạo sự yên tâm tin tưởng của ngư dân ta trong quá trình hoạt động sản xuất trên ngư trường truyền thống, góp phần trong việc bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự trên biển, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm vùng biển đánh bắt trái phép.
Năm 2016, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường tuần tra kiểm soát, tăng tần suất kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển chồng lấn; tại các ngư trường truyền thống; Cửa Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa, Trường Sa, Tây Nam Bộ; kịp thời phối hợp với các lực lượng liên quan để xử lý các tình huống phức tạp, phát sinh trên biển; xua đuổi, ngăn chặn tàu cá nước ngoài hoạt động trái phép. Song song với việc tuần tra, kiểm tra, lực lượng Kiểm ngư cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tổ chức, cá nhân, ngư dân hoạt động trên các vùng biển Việt Nam. Đồng thời Cục sẽ thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn chuyên môn, nâng cao năng lực cho các cán bộ Kiểm ngư viên và cán bộ thuyền viên tàu Kiểm ngư.
Trân trọng cảm ơn ông!