Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đặt mục tiêu phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Vì thế, một trong những điểm hướng đến là giảm lượng thủy sản đánh bắt gần bờ và tăng cường khai thác xa bờ.
Theo đề án, đến năm 2020 giữ ổn định sản lượng khai thác thủy sản ở mức 2,4-2,6 triệu tấn/năm, trong đó giảm sản lượng khai thác ven bờ ở mức 1,2 triệu tấn/năm như hiện nay xuống còn 0,8-0,87 triệu tấn. Lượng thủy sản khai thác xa bờ sẽ tăng từ 1 triệu tấn/năm lên 1,4-1,53 triệu tấn/năm.
Theo Bộ NN-PTNT, hiện lượng tàu cá của cả nước vào khoảng 130.000 tàu và trong 7 năm tới sẽ giảm lượng tàu thuyền của cả nước xuống còn khoảng 110.000. Ngoài ra, tỷ lệ lượng tàu dưới 20 CV từ 49% sẽ giảm xuống 34,5%, và tỷ lệ tàu trên 90CV sẽ tăng từ 20,7% lên 27,3%, còn tàu cá 20-90CV tăng từ 30,4% lên 38,2%.
Song song với đó là chuyển đổi cơ cấu thuyền, nghề khai thác để tập trung vào khai thác những sản phẩm có giá trị kinh tế cao như tôm, mực, bạch tuộc, cá ngừ, cá thu cũng như áp dụng công nghệ mới để giảm tổn thất sau thu thịch từ 20% hiện nay xuống còn 10% vào năm 2020.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, thực tế cho thấy nhiều tàu cá đánh bắt cá ngừ đại dương ở một số tỉnh miền Trung phải nằm bờ vì càng đánh bắt xa bờ càng thua lỗ.
Hiện Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ NN-PTNT đang tiến hành điều tra nguồn lợi thủy sản và căn cứ trên số lượng tàu cá của mỗi địa phương để cấp hạn ngạch đánh bắt phù hợp. Mục đích của việc này, theo ông Trần Lê Nguyên Hùng, Trưởng phòng khai thác, quản lý nguồn lợi thủy sản thuộc Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản là để duy trì được nguồn lợi hải sản bền vững cho Việt Nam.
Sau khi đã phân xong hạn ngạch, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản sẽ ban hành những quy định, chính sách để hạn chế số lượng tàu cá tăng lên nhằm giữ được một số lượng tàu cá ổn định phù hợp với nguồn lợi hải sản trên biển mỗi năm.