Tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu nhằm mục đích gian dối về kinh tế (làm tăng khối lượng, làm thay đổi kết cấu, lừa dối cảm giác về độ tươi...) là một trong những hành vi gian lận thương mại. Trường hợp các tạp chất đưa vào tôm là các hoá chất không có tên trong Danh mục các phụ gia, chất hỗ trợ chế biến theo quy định hoặc không được sản xuất chuyên dụng để dùng trong thực phẩm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng. Tình trạng bơm tạp chất vào tôm đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh thương hiệu tôm Việt, nhất là mặt hàng xuất khẩu trong bối cảnh mặt hàng này đang đem lại giá trị xuất khẩu lớn cho toàn ngành.
Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương vào cuộc để đến cuối năm 2018, phải chấm dứt triệt để tình trạng này. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương quán triệt tinh thần đó để phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt. Các cơ quan liên quan của Bộ NN&PTNT như Thanh tra, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã phối hợp Cảnh sát môi trường (Bộ Công an); Quản lý thị trường (Bộ Công thương) tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất, liên tục truy quét, bắt giữ, xử lý nhiều vụ vi phạm bơm tạp chất vào tôm.
Vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20 tháng 10 năm 2018 và thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP. Theo đó, những hành vi vi phạm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc thủy sản sẽ bị xử phạt với mức xử phạt cao hơn nhiều lần so với quy định mức xử phạt cũ.
Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng đối với hành vi bảo quản, vận chuyển, khai thác các loài thủy sản có xuất xứ từ cơ sở nuôi cấm thu hoạch, vùng nuôi thủy sản cấm thu hoạch. Đối với hành vi thu gom, sơ chế các loài thủy sản có xuất xứ từ cơ sở nuôi cấm thu hoạch, vùng nuôi thủy sản cấm thu hoạch mức phạt cao nhất lên tới 10 triệu đồng. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi thuê người khác vận chuyển, khai thác các loài thủy sản có xuất xứ từ cơ sở nuôi cấm thu hoạch, vùng nuôi thủy sản cấm thu hoạch.
Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với các hành vi đưa tạp chất vào thủy sản; sản xuất, kinh doanh, sử dụng thủy sản có tạp chất do được đưa vào hoặc có chất bảo quản cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng.
Đối với hành vi khai thác, thu gom, sơ chế, bảo quản, chế biến, kinh doanh các loài thủy sản có độc tố tự nhiên sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng. Đối với hành vi thu gom, sơ chế, bảo quản, chế biến, kinh doanh các loài thủy sản có độc tố tự nhiên gây nguy hại đến sức khỏe con người dùng làm thực phẩm sẽ bị xử phạt mức cao nhất là 100 triệu đồng, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Trong một số trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt tương ứng mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm.
Ngoài ra, tùy theo mức độ và hành vi vi phạm có thể áp dụng xử lý bổ sung bằng các hình thức như: tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 04 tháng đến 06 tháng. Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc tịch thu tang vật.