Tiềm năng lớn
Theo Tổng cục Thủy sản, tổng diện tích tiềm năng phát triển nuôi nhuyễn thể tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh tới Kiên Giang là 206.350 ha. Trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng có diện tích tiềm năng 43.650 ha, chiếm 21,1%; vùng ĐBSCL khoảng 113.800 ha, chiếm 55,1% tổng diện tích tiềm năng nuôi nhuyễn thể của cả nước. Riêng khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là 42.700 ha; khu vực các tỉnh ven biển Đông Nam bộ khoảng 6.200 ha, trong đó tập trung ở khu vực Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) và vùng ven biển huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh). Tổng diện tích nuôi nhuyễn thể của cả nước năm 2017 đạt 41.200 ha, sản lượng 272.832 tấn. Bình quân giai đoạn 2010 - 2017 tăng trưởng về diện tích đạt 8,7%/năm, sản lượng đạt 14,6%.
Về xuất khẩu, ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) cho biết: “Việt Nam hiện nay đã có 13 vùng thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ được phép xuất khẩu. Theo VASEP, kim ngạch xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam năm 2018 đạt gần 90 triệu USD, đóng góp quan trọng trong cơ cấu ngành hàng; trong đó EU là thị trường rất quan trọng, trị giá gần 60 triệu USD, chiếm 52% cơ cấu xuất khẩu. EU cũng chính là thị trường đầu tiên đưa ra các tiêu chuẩn về ATTP đối với nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Có thời điểm sản phẩm ngao Việt Nam gặp khó trên thị trường thế giới, nhất là ở châu Âu; tuy nhiên, ngay sau đó chúng ta đã tăng cường thực hiện hàng loạt các giải pháp khắc phục và đến nay đã giải quyết được rất nhiều thách thức và giữ vững được thị trường này”.
Mới đây, Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh và Sở NN&PTNT Nam Định tổ chức Lễ ký kết triển khai Dự án “Liên kết chuỗi giá trị ngao theo ASC tỉnh Nam Định - Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam”.Đánh giá về việc sản phẩm ngao hướng đến ASC, ông Ngô Hồng Phong cho rằng: “Việc đạt chứng nhận ASC một lần nữa giúp chúng ta tiếp tục khẳng định việc tiếp tục và duy trì giữ vững các hoạt động kiểm soát ATTP đối với sản phẩm ngao. Bên cạnh đó, thông qua chứng nhận này không chỉ giúp chúng ta khẳng định việc đảm bảo các yếu tố về vệ sinh ATTP mà còn đảm bảo các yếu tố về môi trường và an sinh xã hội”.
Rõ ràng với con ngao nói riêng và nhuyễn thể hai mảnh vỏ nói chung, tiềm năng nuôi trồng lẫn xuất khẩu còn rất rộng mở và cơ hội để Việt Nam chinh phục thị trường toàn cầu là “giấc mơ có thật”.
Mục tiêu lớn
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản cho biết: “Mục tiêu phát triển của ngành nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam là phát triển nuôi nhuyễn thể hàng hóa tập trung phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của các tỉnh ven biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, tổ chức sản xuất hợp lý, bảo đảm ATTP, bảo vệ môi trường; đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; góp phần tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng dân cư, bảo vệ trật tự, an ninh quốc phòng vùng ven biển và hải đảo”.
Cụ thể đến năm 2020, tổng diện tích nuôi nhuyễn thể tập trung là 40.200 ha; trong đó diện tích nuôingao 23.110 ha, hàu2.770 ha, ốc hương1.000 ha, sò12.720 ha, tu hài 190 ha, bào ngư150 ha và trai ngọc 260 ha.Tổng sản lượng nuôi nhuyễn thể 384.100 tấn; trong đó sản lượng ngao305.550 tấn,hàu 17.580 tấn, ốc hương 5.120 tấn,sò 54.280 tấn,tu hài 490 tấn,bào ngư580 tấn và trai ngọc 500 tấn (50 triệu viên ngọc trai).Chủ động cung cấp trên 70% tổng nhu cầu giống đảm bảo chất lượng nuôi thương phẩm.Thu hút và giải quyết việc làm khoảng 80.000 người; trong đó có 50-60% số lao động thủy sản được đào tạo, tập huấn.
Định hướng đến năm 2030 sẽ tổng diện tích 42.800 ha; trong đó diện tích ngao 24.550 ha,hàu 3.370 ha, ốc hương 1.000 ha,sò 12.870 ha,tu hài 310 ha,bào ngư 200 ha và trai ngọc 500 ha.Tổng sản lượng đạt 514.000 tấn; trong đó sản lượng nuôi ngao393.120 tấn, hàu33.990 tấn, ốc hương 8.680 tấn,sò 75.540 tấn, tu hài 960 tấn, bào ngư 860 tấn và trai ngọc 850 tấn (85 triệu viên ngọc trai).Chủ động cung cấp 100% tổng nhu cầu giống đảm bảo chất lượng cho nuôi thương phẩm.Thu hút và giải quyết việc làm 100.000 người; trong đó có khoảng 80% số lao động thủy sản được đào tạo, tập huấn.
Xây dựng vùng tập trung
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, việc phát triển nhuyễn thể ở nước ta còn một số hạn chế như: Nuôi nhuyễn thể tại các tỉnh ven biển còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch; điều kiện cơ sở hạ tầng còn hạn chế; đầu ra của các sản phẩm nuôi vẫn còn bấp bênh, giá cả không ổn định; nguồn giống cho nuôi thương phẩm các đối tượng xuất khẩu chính như nghêu, ngao, sò huyết chủ yếu dựa vào tự nhiên nên thiếu tính chủ động về chất lượng và số lượng. Nguồn giống tự nhiên chỉ có ở một số vùng nhất định nhưng thiếu sự quản lý, khai thác hợp lý nên đang có nguy cơ bị cạn kiệt. Các đối tượng quý hiếm như ốc hương, bào ngư, tu hài, cần phải sản xuất giống nhân tạo để phục hồi nguồn lợi.
Ông Nguyễn Văn Cửu, hộ nuôi ngao tại xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định cho rằng: “Về vấn đề con giống thì với con ngao nói riêng và nhuyễn thể nói chung, thực tế hiện nay đang tự phát, chủ yếu là do người dân đi học hỏi kinh nghiệm các nơi về làm và các trại sản xuất hiện đa phần đều nhỏ lẻ, manh mún, không có quy hoạch… do đó khó quản lý về chất lượng. Một số trại sản xuất thực hiện không đúng quy trình nên chất lượng con giống đang giảm sút dần. Theo đó để phát triển về lâu dài cần phải xây dựng vùng sản xuất giống tập trung ngay tại vùng nuôi”.
Nhuyễn thể được xác định là đối tượng nuôi chủ lực của nước ta, bởi đây là ngành có giá trị kinh tế cao và nhiều tiềm năng phát triển; tuy nhiên, để nhuyễn thể thực sự trở thành thế mạnh, việc chủ động được con giống là một yếu tố vô cùng quan trọng.