Trong đó, học viên là khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông của 5 huyện, thị xã, thành phố ven biển Quy Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ và Hoài Nhơn.
Đến với lớp tập huấn, các học viên được cán bộ kỹ thuật Trung tâm chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trên các đối tượng như cá mú, cá bớp, cá chẽm, cá dìa, cá đối mục, cua xanh,...; kỹ thuật nuôi ghép các đối tượng thủy sản nước lợ, mặn trong cùng ao nuôi. Đồng thời, các học viên được hướng dẫn công tác quản lý thức ăn, môi trường, dịch bệnh trên tôm, cá; các tác nhân gây bệnh và biện pháp phòng, trị một số bệnh thường gặp.
Trong đó, công tác lựa chọn con giống an toàn và quản lý dịch bệnh là vấn đề cấp thiết, được nhiều học viên quan tâm trong bối cảnh điều kiện thời tiết, môi trường nuôi thay đổi bất thường như hiện nay. Qua lớp tập huấn, các học viên đã được trang bị thêm những kiến thức mới, kinh nghiệm thực tế trong việc phát triển nghề nuôi các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế.
Đối với tỉnh Bình Định, hoạt động nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn chủ yếu tập trung vào các đối tượng nuôi chính là tôm thẻ chân trắng, tôm hùm, cá biển. Riêng nuôi lồng bè, toàn tỉnh có khoảng 60 ha diện tích mặt nước nuôi với các đối tượng nuôi chính gồm: cá chẽm, cá bớp, cá hồng, cá mú, tôm hùm,... Tính đến năm 2022, toàn tỉnh có 2.965 lồng nuôi với thể tích 56.970 m3 nước, sản lượng đạt 217 tấn.