Tận dụng lợi thế
Huyện Thăng Bình có 150ha mặt nước nuôi thủy sản nước ngọt phân bố tại 3 hồ lớn là Cao Ngạn (Bình Lãnh), Đông Tiển (Bình Trị) và Phước Hà (Bình Phú). Diện tích sản xuất tập trung tại 3 hồ chứa nước này là tiềm năng lớn để huyện phát triển nghề nuôi thủy sản theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn. Việc tận dụng mặt nước tại hồ chứa bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khả quan. Năm 2011, nhóm hộ gồm các thành viên Nguyễn Công Chiến, Nguyễn Văn Duyên, Trương Văn Liễu và Trương Công Bình đã thuê 50ha mặt nước hồ Phước Hà do UBND xã Bình Phú quản lý để đầu tư nuôi thủy sản nước ngọt. Từ đó đến nay, mỗi năm nhóm hộ này đầu tư nuôi 4 vạn cá mè và 3 vạn cá trôi; cá phát triển tốt, thu được khoảng 200.000kg cá/năm. Với giá bán trung bình là 30 nghìn đồng/kg, nhóm hộ đạt doanh thu 6 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí, mỗi hộ lãi khoảng 500 triệu đồng. Anh Nguyễn Công Chiến cho biết: “Điều thuận lợi là tận dụng nguồn thức ăn cho cá sẵn có trong hồ. Chỉ cần nuôi đúng quy trình, hạn chế tác hại từ thuốc sử dụng trong trồng trọt xung quanh, không cho cá thất thoát khi mùa lũ đến là có thể thu được sản lượng lớn. Hiện chúng tôi đã liên hệ bán cá thương phẩm cho các công ty chế biến thủy sản ở nhiều nơi như TP.Đà Nẵng hay Quảng Ngãi nên lượng cá tiêu thụ ổn định”.
Ngoài hình thức nuôi quảng canh như vừa nêu, thời gian qua trên địa bàn Thăng Bình cũng thí điểm hình thức nuôi bán thâm canh, hứa hẹn mở ra lối đi mới, thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ. Năm 2013, ông Nguyễn Thanh Hải (thôn Phước An 1, xã Bình Hải) đã đầu tư nuôi bán thâm canh cá rô phi đơn tính đực theo quy trình VietGAP trên 0,25ha với 12.500 con cá giống cỡ 5cm. Sau 7 tháng thả nuôi, ông bán được khoảng 80 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lãi hơn 30 triệu đồng. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Thăng Bình, mô hình nuôi bán thâm canh cá rô phi đơn tính theo quy trình VietGAP được triển khai tương đối hiệu quả, thu hút sự quan tâm của bà con nông dân trong vùng. Nhiều hộ đã bày tỏ nguyện vọng được học tập để có thể ứng dụng mô hình này vào thực tế sản xuất của gia đình mình, qua đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế. Ông Lê Văn Để, Trưởng trạm Khuyến nông – khuyến lâm huyện Thăng Bình cho biết: “Với tiềm năng nuôi thủy sản nước ngọt lớn, Thăng Bình đã chú trọng sản xuất và đầu tư nuôi thương phẩm, đáp ứng được thị trường tiêu thụ. Hiệu quả kinh tế từ nghề này đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng an toàn, bền vững”.
Hướng đầu tư
Theo ông Lê Văn Để, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, trong nuôi thủy sản nên chú trọng vào cách đầu tư nuôi VietGAP. Bởi, sản phẩm cá thương phẩm được nuôi theo quy trình này là sản phẩm “sạch”, ngày càng được thị trường ưa chuộng. Bên cạnh đó, nuôi cá “sạch” môi trường ít bị ô nhiễm, giá bán cũng cao hơn. Tuy nhiên, nuôi bán thâm canh theo quy trình VietGAP đòi hỏi nhiều tiêu chí về điều kiện ao nuôi, vùng nuôi; quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh cho cá; sự quản lý môi trường ao nuôi phải thực hiện nghiêm ngặt. Vì vậy, để mở rộng hình thức nuôi này cho các nông hộ trên địa bàn trong thời gian đến, địa phương cần quan tâm hỗ trợ kinh phí để tiếp tục triển khai tại nhiều địa bàn nhằm hoàn thiện quy trình nuôi theo hướng VietGAP, qua đó phổ biến cho người dân áp dụng vào nuôi đạt được nhiều hiệu quả. “Khi triển khai cần thả cá sớm, ngay từ đầu năm, kịp thời vụ để đến cuối năm đối tượng nuôi đủ thời gian sinh trưởng, đạt trọng lượng thương phẩm. Ngoài ra, thu hoạch trước mùa mưa bão để tránh thất thoát sản phẩm cũng như sản phẩm bán ra với giá cao, nâng cao hiệu quả sản xuất” - ông Để nói.
Theo ông Phan Công Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, mặc dù đạt được một số thành quả nhưng nhìn chung nghề nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Thăng Bình vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân là thời tiết bất lợi. Đầu năm thì nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng, phát triển của cá, đến cuối năm mưa bão lại đến sớm nên phải thu hoạch sớm, cá nuôi chưa đạt trọng lượng thương phẩm tối đa. Cùng với đó là thị trường đầu ra còn bấp bênh. Các hộ nuôi chủ yếu bán lẻ ra thị trường, sản lượng tiêu thụ rất chậm, giá bán không cao. “Để tăng được giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, huyện đã có chủ trương áp dụng đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy ngành nuôi thủy sản phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nhất là nuôi lồng bè tại các hồ thủy lợi. Ngoài việc quy hoạch chi tiết, huyện đang nỗ lực ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến cho các đối tượng chủ lực như cá diêu hồng, cá mè, cá trôi, rô phi đơn tính… Cùng với đó là chú trọng bảo vệ môi trường, an toàn dịch bệnh, thức ăn, thú y thủy sản, giống thủy sản “sạch”, đào tạo nghề... Quan trọng hơn cả là tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ ao nuôi đến thị trường tiêu thụ, trong đó hợp đồng thu mua sản phẩm giữa doanh nghiệp chế biến và người nuôi đóng vai trò hạt nhân” - ông Vỹ nói./.