Bình thảo dược EVIRO của Công ty TNHH VIBO
Thả bao nhiêu, chết bấy nhiêu
Thống kê ban đầu đã có 130 hộ sử dụng loại thảo dược này đã làm ảnh hưởng và thiệt hại 130 ha mặt nước nuôi tôm sú trong tỉnh.
Để kiểm chứng hiện tượng tôm giống mới thả nuôi đã chết, chúng tôi cùng cán bộ Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Thanh tra Sở NN- PTNT Trà Vinh tiến hành thả 200 con giống tôm vào thau nước được lấy từ ao tôm có sử dụng loại thảo dược diệt giáp xác và cá tạp có tên Eviro tại hộ ông Nguyễn Văn De, xã Hiệp Mỹ Đông.
Sau 30 phút, tôm trong thau đã bắt đầu mất đi tính nhanh nhạy, không còn khả năng bơi quanh miệng thau và co cụm lại giữa thau nước khi khuấy tròn dòng nước. Nếu bình thường, con giống vẫn còn khả năng bơi ra thành thau, cho dù khuấy mạnh dòng nước trong thau.
Ngay trong lúc đoàn kiểm tra đang kiểm chứng thực tế tại ao tôm ông De để xác định nguyên nhân làm cho con giống chết thì hàng chục hộ nông dân tại ấp Đồng Cò, xã Hiệp Mỹ Đông đã ra ao tôm để chứng kiến và đều bức xúc. Bởi lẽ hầu hết bà con ở khu vực này đều sử dụng loại thảo dược Eviro để xử lý ao tôm.
Ông Nguyễn Văn De cho biết: "Ao lấy nước vào xử lý rất kỹ, khi mua giống về thả nuôi thì thấy tôm lờ đờ, rồi chết từ từ, 2 ngày sau thì cả ao chết hết. Tôi báo cáo lên xã thì xã khuyên không nên xả nước ra ngoài kênh, nên phải để đến bây giờ".
Ông Huỳnh Văn Dương có ao nuôi gần ông De cẩn thận hơn, bằng cách lấy con giống về, múc nước từ ao (đã xử lý cùng loại thảo dược) để thử thì tôm giống không thể sống nổi. Thấy vậy ông xả nước ra kênh trữ, 1 ngày sau cá rô phi trong kênh này đều chết nổi lên mặt nước.
Ông Nguyễn Văn Đấu, ấp Đống Cò, xã Hiệp Mỹ Đông bức xúc nói: Tôi nghe nói là sử dụng thảo dược này rất tốt, không có nguồn gốc thuốc trừ sâu. Sau khi cải tạo và lấy nước vào ao, tôi tạt thuốc này vào ngày 7/2. Đến ngày 3/3 thả 80.000 con giống. Sau 2 ngày, toàn bộ 100% lượng giống trong ao đã chết.
Theo khuyến cáo trên bao bì là tạt thảo dược này từ 15- 20 ngày thì thả giống. Tôi cẩn thận đợi đến 27 ngày sau khi xử lý ao mới thả, tôm vẫn chết. Để rõ nguyên nhân, 7 ngày sau tôi đi xin giống về lấy nước trong ao bằng 2 cách. Một là lấy nước dưới đáy ao, hai là lấy trên mặt. Con giống thả vào thau nước lấy ở tầng đáy thì chết 100%, con giống thả vào thau nước tầng mặt thì chết 70%.
Không chỉ đền là xong
Ông Phạm Văn Don, ấp 4, xã Mỹ Long Nam có 8.000 m2 mặt nước nuôi tôm sú. Ông đã mua 13 chai thuốc Eviro của Cty, loại thảo dược diệt giáp xác và cá tạp để xử lý nước, cũng rơi vào thảm cảnh tôm chết sạch. Tổng chi phí từ lúc lấy nước vào ao xử lý đến lúc thả giống tốn hơn 10 triệu đồng.
Ông Don nói: Nếu như tôi không kỹ, mua giống về thả đại xuống là lâm nợ. Mua nhầm thảo dược độc hại khiến nông dân vừa mất tiền vừa trễ mùa vụ thả nuôi. Còn ông Hồ Thành Tâm, ấp 4, xã Mỹ Long Nam mua tới 26 chai thảo được Eviro xử lý 1,6 ha mặt nước. Do ao nằm vị trí xa, không có đường lấy nước thay thế nên ông giữ nguyên hiện trạng, mua vôi về tiếp tục xử lý. Ông Tâm cho biết: Cứ 1.000 m2 mặt nước rải 160 kg thì với 1,6 ha mặt nước phải xử lý trên 2 tấn vôi.
Đông đảo bà con nuôi tôm bức xúc về việc sử dụng thảo dược EVIRO
Ông Dương Tấn Đỏm, Phó phòng NN- PTNT huyện Cầu Ngang cho biết: Địa phương đang chỉ đạo cho ban nông nghiệp các xã nhanh chống nắm diện tích sử dụng thảo dược Eviro, liên hệ với Cty xuống gặp dân để lấy ý kiến và bàn cách khắc phục.
Việc sử dụng thảo dược diệt giáp xác, diệt luôn tôm khiến các hộ nuôi rất hoang mang. Thông thường, việc thả nuôi con giống sẽ thực hiện theo quy trình lấy nước- diệt giáp xác- gây màu (tảo)- kiểm tra các chỉ số môi trường như: pH; độ mặn; độ kiềm; độ trong. Nếu các chỉ số này bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật thì tiến hành thả nuôi con giống.
Kết quả điều tra bước đầu của Thanh tra Sở NN- PTNT thì trên địa bàn bàn huyện Cầu Ngang, Công ty TNHH VIBO đã cung ứng 800 bình hóa chất có dung tích 1 lít, mỗi bình xử lý 1.000 m3 nước. Như vậy, đã có hàng trăm hộ nuôi tôm sử dụng loại hóa chất này rất hoang mang vì hiện tượng tôm giống chết.
Đa số các hộ sử dụng hóa chất này không thể tiếp tục cải tạo lại ao để thả nuôi, vì không biết hóa chất này độc hại như thế nào, khả năng còn tồn lưu thời gian bao lâu. Trong khi đó, lịch thời vụ thả nuôi con giống đang sắp hết. Như vậy sẽ có hàng trăm hộ sẽ trắng tay trong vụ tôm năm nay, mức độ thiệt hại khá nghiêm trọng. Nguồn tin ban đầu của phóng viên thì phía Cty sẽ không lấy tiền thuốc đối với những nông dân mua nợ. Còn trường hợp đã trả tiền thì Cty sẽ trả lại.
Ông Trần Trung Hiền, GĐ Sở NN- PTNT Trà Vinh cho biết: Sở đã giao cho thanh tra tiến hành lấy mẫu để phân tích, tìm ra nguyên nhân cụ thể. Còn sai phạm thuộc đơn vị nào, Cty nào, mức độ ra sao thì phải chịu trách nhiệm hoàn toàn; thậm chí phải bồi thường cho người nuôi tôm và có