Tình hình XK hải sản
Trong 5 năm qua, giá trị XK hải sản của Việt Nam chiếm 29 – 33% tổng giá trị XK thủy sản. Nhìn chung trong thời gian này, XK hải sản tăng trưởng liên tục, mức tăng trung bình hàng năm gần 8%. Mỗi năm, Việt Nam XK khoảng 200 loài hải sản khác nhau, trong đó cá ngừ, mực, bạch tuộc, cá hồi, chả cá và surimi là các sản phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất trong XK hải sản của cả nước.
Các sản phẩm này đã được xuất sang 177 thị trường trên thế giới. Trong số các thị trường này, EU luôn là thị trường XK lớn thứ 2 của Việt Nam trong 5 năm qua. Giá trị XK hải sản của Việt Nam sang EUtrong giai đoạn này dao động từ 350 – 400 triệu USD/năm, chiếm 16 -17% tổng XK hải sản của Việt Nam.
Thẻ vàng và tác động tới XK hải sản
Ngày 23/10/2017, EU chính thức đưa ra cảnh báo thẻ vàng IUU đối với Việt Nam. Điều này được dự báo sẽ tác động xấu đến XK hải sản của Việt Nam như: XK hải sản khai thác sang EU sẽ giảm: khách hàng sẽ hạn chế hoặc ngừng mua hàng của các quốc gia đang bị thẻ vàng (không hợp tác); Ảnh hưởng xấu đến uy tín, thương hiệu của ngành hải sản khai thác của nước đó; Các thị trường khác có thể sẽ áp dụng các quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn như Mỹ đang áp dụng chương trình SIMP chống khai thác IUU từ 1/1/2018; 100% containers hàng hải sản XK sang EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác như vậy sẽ mất thời gian, chi phí và bị từ chối NK; Nếu không có cải thiện theo đánh giá của EU, bị chuyển sang cảnh báo thẻ đỏ, sẽ bị cấm XK hải sản khai thác sang EU…
Tính đến hết tháng 7/2018, tổng XK hải sản của Việt Nam vẫn tăng 7,4% so với cùng kỳ. Các chỉ số tăng trưởng từng mặt hàng đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017, không ổn định, và có xu hướng tăng trưởng chậm lại qua từng tháng.
Trong khi đó, XK hải sản sang EU có chiều hướng giảm sâu và liên tục từ khi Việt Nam bị nhận thẻ vàng. Giá trị XK hải sản sang EU hiện đang chiếm từ 12-15% tổng XK hải sản của cả nước trong giai đoạn này.
Trong số các mặt hàng hải sản XK của Việt Nam, cá ngừ là mặt hàng duy trì được sự tăng trưởng dương so với cùng kỳ, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng không cao, thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ năm trước. Riêng thị trường EU, XK cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số, trừ T12/2017, T2/2018 và T4/2018. Còn XK sang thị trường Mỹ vẫn tăng trong những tháng cuối năm 2017, nhưng sang năm 2018 lại giảm liên tục qua từng tháng.
Còn đối với XK mực, bạch tuộc, XK nhóm sản phẩm này của Việt Nam sau khi nhận thẻ vàng vẫn tăng trưởng dương. Tính tổng 7 tháng đầu năm 2018, XK mực, bạch tuộc của Việt Nam đạt 353 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng XK qua các tháng không ổn định dao động từ 4 – 28%, trong khi mức tăng trưởng của năm 2017 dao động từ 44 – 64%. Riêng tháng 7/2018, XK mực, bạch tuộc của Việt Nam giảm 15%, sau khi tăng trưởng chậm 1,4% trong tháng 6.
Tại các thị trường chính, XK mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc vẫn ổn định và tăng cao. Giá trị XK nhóm sản phẩm này sang Hàn Quốc trong 7 tháng đầu năm 2018 đạt 120 triệu USD, tăng 13%, chiếm 37%.
XK mực, bạch tuộc sang Nhật Bản vẫn tăng nhẹ trong các tháng, nhưng trong 2 tháng gần đây có xu hướng chững lại. Tổng giá trị XK mực, bạch tuộc sang thị trường này trong 7 tháng đầu năm đạt 80 triệu USD, tăng 3,5%, chiếm 23%.
Còn XK mực, bạch tuộc sang thị trường EU giảm sâu từ 9-40%. Tổng giá trị XK nhóm sản phẩm này sang EU trong 7 tháng đầu năm nay đạt 46 triệu USD, giảm 27%, chiếm 13%.
Dự báo
Như vậy, có thể thấy thẻ vàng IUU đã tác động làm giảm XK thủy sản khai thác của Việt Nam sang EU trong thời gian qua và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những tháng cuối năm. Và điều này sẽ tác động đến kết quả XK hải sản nói chung.
Với kết quả XK hải sản trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 1,35 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2017, dự báo XK hải sản cuối năm nay đạt trên 1,8 tỷ USD, đưa tổng XK cả năm lên khoảng 3,2 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2017.
XK các mặt hàng mực, bạch tuộc, cua ghẹ, cá biển sang EU sẽ tiếp tục giảm mạnh do vướng mắc trong thủ tục chứng nhận xác nhận nguồn gốc khai thác theo quy định IUU.