Sau nhiều ngày mật phục, phóng viên Báo Người Lao Động đã làm rõ tung tích một nhóm người thường xuyên vào vùng được cảnh báo ô nhiễm dioxin cực nặng ở sân bay Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) bắt cá ở đây rồi đem bán.
“Đội quân” chuyên nghiệp
Sáng thứ 7 ngày 29-11, dù mới 6g giờ 30 phút nhưng đội quân bắt cá vùng nhiễm dioxin đã xuất hiện. Họ khoảng 20 người, đi xe máy, mặc quần áo kiểu công nhân lao động, mang theo ăc quy, bộ kích điện, các bao tải.
Sau khi cùng gửi xe máy tại một nhà dân bên đường, có vẻ như đã quen thuộc, nhóm người đàn ông này bắt đầu lần lượt leo qua “cầu” là một cây gỗ nối từ một cây xanh bên đường lên tường rào sân bay, cao gần 3m. “Cầu” đã mòn nhẵn do có người trèo, được chằng buộc chắc chắn bằng những sợi dây thừng, còn hàng rào thép gai khu vực này đã bị phá, bẻ quặt xuống.
Chỉ trong thoáng chốc, cả nhóm người đã lọt vào bên trong. Lúc này, lại gần quan sát, chúng tôi trông thấy bên trong là những ao hồ rộng mênh mông. Đây là vùng ao hồ cách ly, được cảnh báo là điểm tích tụ dioxin nặng nhất ở khu vực sân bay.
Chỉ khoảng vài phút sau, cả khu vực ao hồ đã rải đầy người đánh bắt cá. Họ chia thành từng tốp, dùng kích điện để đánh cá. Cứ khoảng 1 giờ, một người trong nhóm lại leo ra ngoài để đổi bình ắc quy điện. Những bình ắc quy này được họ nạp điện ở chính căn nhà nơi mà họ gửi xe máy khi mới tập kết đến đây.
Sau khi "thu hoạch" cá từ sáng đến 15 giờ chiều, đội quân này vượt rào ra về mang theo hàng trăm kg cá ở hồ được cảnh báo cực kỳ nguy hiểm do nhiễm chất độc dioxin
“Họ làm việc cần mẫn, hầu như tuần nào cũng xuất hiện ở đây vào các ngày cuối tuần, chúng tôi cảm thấy việc họ đánh bắt cá ở đây thật đáng sợ nhưng không có ai cản họ cả”- những người dân sống trong khu vực này cho biết với đầy vẻ lo ngại.
Họ là ai?
Để làm rõ nhóm người trên là ai, ở đâu, chúng tôi chờ đến lúc “đội quân” này kết thúc ngày làm việc.
Khoảng 15 giờ cùng ngày, nhóm này mới dừng công việc và gom chiến lợi phẩm là 2 bao tải cá nặng hàng trăm ký leo tường ra ngoài.
15 phút sau, những người này mang theo sản phẩm đi cùng nhau hướng về cầu Hóa An rồi trực chỉ tỉnh Bình Dương.
Các "thợ săn" rời nơi tập kết sau khi chia chác sản phẩm tại một khu trọ ở tỉnh Bình Dương
Dường như cảm nhận được có người theo dõi nên khi vừa qua cầu Hóa An, cách nơi đánh bắt cá chưa đầy 1km, nhóm này bắt đầu tăng tốc và chia ra từng tốp đi theo nhiều hướng.
Lúc này, chúng tôi kịp ghi lại một vài số xe 61Z4-4333, 62N-7986… và quyết định bám theo hai người chở nhau trên một xe máy và bao tải sản phẩm lớn. 2 người này chạy vào một ngôi chợ, vòng vèo qua nhiều ngõ hẻm, đường ngang lối tắt, qua nghĩa trang hoang vắng.
Tuy nhiên, khi đã cách khu vực sân bay Biên Hòa khoảng hơn 20km những người trong nhóm từ nhiều hướng tụ lại. Cùng đi thêm khoảng 3km nữa, họ cùng tập kết tại một dãy nhà trọ ở khu phố Tân Thắng, phường Tân Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Khoảng 30 phút sau, những người này chia nhau xong sản phẩm và mang đi, tản mỗi người mỗi hướng.
Chúng tôi bám theo 2 người, họ về một căn nhà xập xệ ở ngã 3 Tân Bình, thị xã Dĩ An. Những người trong nhà đón họ, và lập tức phân loại cá đổ ra chậu, đem bán. “Mua đi, cá đồng tự nhiên ngon lắm”, người phụ nữ trong căn nhà xập xệ vừa bày các sản phẩm vừa chào hàng.
2 thành viên trong nhóm đưa cá về bày bán ở lề đường ngã 3 Tân Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương
Để tránh nghi ngờ, chúng tôi đã nhờ người đến nhập vai mua cá và được biết tên một trong hai người đánh bắt cá trở về đây là An, còn nhóm người cùng đi đánh bắt cá là anh em bạn bè đến từ tỉnh Sóc Trăng. “Chúng tôi lên đây làm công nhân, cuối tuần thì đi đánh bắt cá đem bán”- người tên An cho biết.
Mua bán đắt hàng!
Khu vực 2 thành viên trong nhóm bắt cá đem về bán là ngã 3 Tân Bình, nằm cách trụ sở Công an phường Tân Bình khoảng 400m. Đây là khu dân cư tấp nập người qua lại.
Ngay sau khi chứng kiến cảnh cá từ hồ nước nhiễm dioxin nặng được đem bán, chúng tôi vội báo cho vài người mua cá và những người xung quanh về tình trạng trên và đến trụ sở Công an phường Tân Bình để báo tình hình.
Vậy mà, chỉ 30 phút sau quay lại, chậu cá khoảng hơn 20 con, mỗi con từ 1 - 2kg đã được bán sạch. Lúc này, chúng tôi lật bài ngửa: “Các anh có biết cá được bắt ở vùng cảnh báo nhiễm độc nặng không, sao lại đem bán cho người ta”? Người đàn ông ấp úng: “Chúng tôi chỉ bắt về ăn, thỉnh thoàng thừa mới đem bán”!