Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, từ nay đến cuối năm, ngành thủy sản cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho cá tra tại các thị trường Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc.
Cụ thể, đối với thị trường Hoa Kỳ, ngành cần tiếp cận quan điểm "vừa hợp tác, vừa đấu tranh".
Đồng thời, rà soát, tổ chức lại sản xuất để đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ. Bởi Hoa Kỳ vẫn là thị trường chủ lực của cá tra Việt Nam.
Đối với thị trường EU, ngành cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để sẵn sàng thực hiện khi Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - EU có hiệu lực; đồng thời, chủ động ứng phó với các rào cản, đặc biệt là xử lý việc bôi nhọ sản phẩm cá tra trên các phương tiện truyền thông quốc tế.
Đối với thị trường Trung Quốc, sản phẩm cá tra đã được xuất khẩu theo đường chính ngạch. Đây là lợi thế của ngành hàng, tuy nhiên cần phải tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng; đồng thời phải có giải pháp quản lý nhằm đảm bảo sự công bằng giữa doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch và xuất khẩu tiểu ngạch.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, đối với các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Brasil, Asean và một số thị trường khác, cần tiếp tục quảng bá giới thiệu sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ.
Đối với thị trường trong nước, theo Thứ trưởng, cần nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển các dòng sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước.
Bên cạnh đó, đảm bảo sản xuất, cung ứng đủ nguồn giống chất lượng cao, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phối hợp với các nhà khoa học, các Viện nghiên cứu tham gia chọn tạo cá tra bố mẹ, sản xuất cá tra giống có chất lượng cao.
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, từ nay đến cuối năm, việc đàm phán tháo gỡ thị trường, nhất là đấu tranh với Luật Farm Bill của Mỹ sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thủy sản.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Oai, đối với xuất khẩu tôm, ngành thủy sản đặt mục tiêu phấn đấu cuối năm sẽ đạt 675.000 tấn, với kim ngạch xuất khẩu từ 3,2-3,5 tỷ USD.
Về ngành hàng cá tra, bên cạnh thị trường xuất khẩu, từ nay tới cuối năm 2017, sẽ quyết liệt thúc đẩy dư địa của thị trường cá da trơn trong nước và thị trường Trung Quốc.
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt hơn 500 triệu USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Hiện nay, tổng diện tích thả nuôi cá tra tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là 3.100 ha, sản lượng đạt hơn 500.000 tấn, tăng 1,3% về diện tích và 2,2% về sản lượng so với cùng kỳ năm 2016.
Tuy nhiên, sản xuất cá tra vẫn tiếp tục đối diện với các rào cản kỹ thuật tại các thị trường tiêu thụ lớn như Hoa Kỳ và EU.