Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2018 là năm đầu tiên xuất khẩu cá tra đột phá và có thể mang về hơn 2 tỷ USD. Khu vực ĐBSCL đang có 8 tỉnh nuôi cá tra với gần 5.000ha mặt nước.
Qua 20 năm hình thành và phát triển, con cá tra của khu vực này đã trở thành ngành hàng có bước phát triển vượt bậc, trong thời gian tới cần phát huy mạnh tiềm năng, lợi thế để đưa ngành cá tra phát triển bền vững.
Để tranh thủ cơ hội thị trường thuận lợi, duy trì chất lượng sản phẩm, bộ đề nghị lãnh đạo các tỉnh quản lý chặt chẽ điều kiện sản xuất và chất lượng sản phẩm cá tra, khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển nuôi cá tra theo hướng liên kết chuỗi giá trị để ổn định sản xuất.
Đồng thời, kiểm soát chất lượng đầu vào con giống, tuyệt đối không sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến cá tra. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nguồn lực vào nghiên cứu, sản xuất giống cá tra chất lượng cao.
Trong lần trao đổi với phóng viên Báo Vĩnh Long mới đây, ông Võ Hùng Dũng- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam thông tin, các tháng đầu năm 2018, ngành hàng cá tra gặp một số khó khăn như chất lượng và giá cá giống không ổn định, áp lực của chương trình thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ…Tuy nhiên, những vướng mắc trên đã được tháo gỡ kịp thời, ngành hàng vẫn duy trì đà tăng trưởng cao.
Ông Võ Hùng Dũng cho biết thêm: “Tôi được biết các hộ nuôi, những người làm giống, khu vực chế biến đã thu hoạch và lãi rất lớn. Hiện nay cũng có một số doanh nghiệp đang dự tính, mở rộng khu vực chế biến. Các tỉnh cũng thêm diện tích thả nuôi. Đặc biệt là khu vực giống rất sôi động.
Tóm lại, cả 3 khu vực về giống, cá thịt và chế biến đều có sự gia tăng về sản lượng và mở rộng diện tích, vùng nuôi.
Để đảm bảo có lợi, người nuôi cá không nên mở rộng diện tích nuôi một cách ồ ạt khi chưa có kỹ thuật nuôi và chưa có đầu ra đảm bảo, cần liên kết với doanh nghiệp thu mua để đảm bảo giá cá tra khi xuất bán, tránh trường hợp dư cung làm giá sụt giảm.