Các chuyên gia cũng cảnh báo trên tờ Bangkok Post rằng việc chuyển sang nhập khẩu tôm từ các nước không bị ảnh hưởng bởi EMS cũng không phải là giải pháp lâu dài.
Tới nay, chưa có báo cáo về sự xuất hiện EMS tại Bănglađét, Ecuađo, Ấn Độ và Inđônêxia, tuy nhiên, Mêxicô mới đây đã xác nhận dịch tại nước này.
Briggs cho biết: “Việc dịch bệnh lây lan là không thể tránh khỏi.” “Và nếu điều này thực sự xảy ra, chắc chắn sẽ có sự thiếu hụt cực kỳ trầm trọng.”
Dịch EMS xuất hiện lần đầu tiên tại các trại nuôi Trung Quốc vào năm 2009, và dần lan tới Malaysia, Việt Nam và Thái Lan. Bốn nước này chiếm tới khoảng 70% lượng tôm xuất khẩu toàn thế giới năm 2011. Thái Lan, đứng đầu thế giới về xuất khẩu tôm, bắt đầu chịu ảnh hưởng của EMS từ cuối 2012.
Prayoon Hongrat, Chủ tịch trại nuôi Sureerath tại tỉnh Chantaburi ở miền Đông Thái Lan, cho biết: “Trại tôm của tôi bắt đầu chịu ảnh hưởng hồi tháng 8 năm ngoái, và khi đó chúng tôi đã bị thiệt hại tới khoảng 80% nguồn tôm.”
Các nhà khoa học vẫn chưa biết nhiều về dịch bệnh EMS. Trong vòng hai đến ba thập kỷ qua, các trại nuôi tôm thương phẩm đã chịu ảnh hưởng từ 20 dịch bệnh và các hội chứng mới do virus và vi khuẩn.
Theo Simon Funga-Smith, cán bộ thủy sản cao cấp tại trụ sở của FAO tại Bangkok, “dịch bệnh lần này hoàn toàn khác biệt”. “Hầu hết các dịch bệnh trước đây đều do virus nhiễm vào con vật, tuy nhiên, nguyên nhân gây nên EMS là do một loài virus tác động vào một loài vi khuẩn có trong tôm, làm giải phóng độc tố khiến con vật nhiễm độc.”
Do hình thức độc canh, các trại nuôi tôm thường có nguy cơ cao trước sự lây lan của các loài virus mới.
Từ năm 2001, các trại nuôi châu Á đã chuyển từ tôm sú, một loài bản địa ở châu Á, sang tôm chân trắng, một giống tôm ở Mỹ Latinh, chủ yếu là do loài này ít mắc bệnh hơn, cho tới khi EMS gây tác động lớn.
Việc chuyển đổi đã giúp xuất khẩu tôm châu Á chiếm ưu thế trong thập kỷ vừa qua, tuy nhiên, đồng thời cũng dẫn đến việc thả với mật độ quá dày, tất yếu gây nên tình trạng môi trường ao nuôi bị suy giảm và tôm giống yếu hơn.
Sản xuất tôm Thái Lan năm ngoái đạt 485.000 tấn, xuất khẩu tới 80%. Theo Poj Aramwattananont, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm đông lạnh Thái Lan (TFFA), năm 2013 sản lượng chỉ đạt mức 270.000 tấn, một phần là do dịch bệnh EMS, một phần là do người nông dân chưa dám thả lại giống do e ngại trước dịch bệnh.
Theo ông, “trong thời gian tới, từng nước, kể cả Thái Lan, cần xác định rõ sản lượng phù hợp để đạt được sản lượng bền vững.”
Cui He, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tiếp thị Thủy sản Trung Quốc (CAPPMA), cho biết tổng sản lượng tôm của Trung Quốc trước dịch bệnh EMS đạt 1,5 triệu tấn, trong đó xuất khẩu khoảng 200.000 tấn.
Từ sau dịch bệnh EMS, Trung Quốc đã phải nhập khẩu tôm từ Ấn Độ và Ecuađo nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa rất lớn.
Cui cho biết: “Trung Quốc từng là nước xuất khẩu tôm, nhưng hiện giờ chúng tôi lại phải đi nhập khẩu.”
Việt Nam cũng đang phải nhập khẩu tôm để duy trì ngành công nghiệp chế biến trong nước.
VASEP cho biết, tuy sản lượng giảm, xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn thu về 1,4 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2013, tăng 14,7 % so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ giá trên thị trường thế giới tăng. Tuy nhiên, một phần tôm nguyên liệu vẫn phải nhập khẩu, trị giá 170 triệu USD trong năm 2012.
Malaixia với sản lượng 80.000 tấn tôm mỗi năm cũng chưa thoát khỏi dịch bệnh này. Syed Omar Jaafar, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Malaixia, cho biết: “Mối quan tâm chính của chúng tôi là tìm cách khắc phục dịch bệnh, đặc biệt là EMS.”