Qua kết quả quan trắc môi trường của cán bộ Liên trạm thủy sản Ô Môn – Thới Lai – Cờ Đỏ trên Sông Hậu và ao nuôi, từ tháng 7 âm lịch đến nay các yếu tố môi trường có những biến động lớn về nhiệt độ, pH, Oxy hòa tan. Kết quả từ tháng 7 - 9 âm lịch như: Nhiệt độ dao động trong ngày từ 30 – 33oC, pH từ 6.8 – 8.2, Oxy từ 2.5 – 5, từ đầu tháng 10 âm lịch đến nay 28.5 – 30oC, pH từ 6.0 – 7.1, Oxy từ 1 – 3.
Thời điểm nhiệt độ xuống thấp khả năng bắt mồi của cá kém, cá chậm lớn, thời gian nuôi kéo dài. Ngoài ra thời tiết lạnh còn là điều kiện cho mầm bệnh phát triển gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cá, tỉ lệ hao hụt tăng; cá chết sẽ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng nuôi.
Theo một số hộ nuôi nhiều kinh nghiệm cho biết thời điểm này không phải vụ chính nên điều kiện không thuận lợi cho việc nuôi cá; cá dễ bị bệnh, hao hụt nhiều và chậm lớn.
Tính đến thời điểm hiện nay 11/2017, trên địa bàn Ô Môn có diện tích xuống giống đạt khoảng 70% với gần 70 ha diện tích cá thịt, khoảng 42 triệu con giống (cỡ cá 30con/kg);nhưng do ảnh hưởng thời tiết bất lợi dẫn đến tỉ lệ cá chết cao khoảng từ 30 – 50% ước khoảng 12 triệu đến 21 triệu con thiệt hại ước tính trên 30 tỷ đồng (giá giống 50.000 đ/kg), có hộ thả giống đến đợt thứ 4. Cá biệt có những hộ thiệt hại nặng với diện tích 6.500 m2 thả cá gần 10 ngày nhưng mỗi ngày hao hụt trên 300 kg, tồng thiệt hại gần 200 triệu đồng.
Từ tình hình thực tế trên, cán bộ liên trạm Thủy sản Ô Môn – Thới Lai – Cờ Đỏ tăng cường kiểm tra, khuyến cáo các hộ nuôi thường xuyên theo dõi điều kiện thời tiết; hoạt động của cá, để điều chỉnh thời điểm cho ăn(cho ăn là lúc nắng ấm); lượng thức ăn phù hợp. Đối với các hộ nuôi có bệnh xảy ra nên kiểm tra và xử lý cá chết để tránh trường hợp bệnh lây lan.