Tại cuộc họp bàn về biện pháp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với hải sản ngày 17/4, ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản), cho biết chất lượng hầm bảo quản làm bằng xốp và chất lượng nước đá không đảm bảo, xử lý sơ chế không đúng cách và thời gian bảo quản dài ngày trên biển đã làm giảm chất lượng hải sản.
Còn đối với sản phẩm có giá trị thấp, ngư dân hầu như không quan tâm, nên chất lượng kém cũng khiến tổn thất sau thu hoạch còn cao. Bên cạnh đó, tiểu thương thu mua theo phương thức đổ đồng nên khiến ngư dân không quan tâm nhiều đến bảo quản.
Trong khi đó, đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng cảng cá, cơ sở hậu cần dịch vụ nghề cá còn hạn chế. Một số cảng cá, bến cá bị xuống cấp, không có khu tiếp nhận, phân loại hải sản, khoảng cách từ cầu cảng đến khu tiếp nhận xa nên sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng làm giảm chất lượng.
Đến cuối năm 2012, 24 địa phương ven biển có 2.073 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, trong đó 1.216 tàu làm dịch vụ thu gom thủy sản trên biển. Đầu tư cho bảo quản hiện bị hạn chế do khả năng tài chính cũng như nhận thức của ngư dân.
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, trong khi nhiều ngư dân chưa có điều kiện đầu tư cho bảo quản thì việc tiếp cận vay vốn rất khó khăn. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với thủy sản, nhất là với dịch vụ hậu cần thu gom, bảo quản và chế biến trên biển; cũng như hỗ trợ hình thành tổ đội sản xuất trên biển, liên kết giữa khai thác và dịch vụ hậu cần trên biển.
Để hỗ trợ ngư dân nâng cao chất lượng bảo quản, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu phương án cho ngư dân được vay vốn thế chấp bằng con tàu, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ một phần chi phí...
Trong thời gian tới, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia trình diễn các mô hình ứng dụng hiệu quả trang thiết bị, máy móc bảo quản theo hình thức hội nghị đầu bờ để nâng cao nhận thức cho ngư dân.