Để một lần tận mắt nhìn thấy những con ốc len được nuôi như thế nào, chúng tôi quyết định vào rừng tại ấp Tân Hải, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, nơi có tổ hợp tác nuôi ốc len từ rất lâu.
Đi sâu vào rừng, thật xa mới có 1 ngôi nhà vì những hộ được nhận giao khoán rừng ở đây đa số đều có từ 2-3 ha. Nhiều hộ cho biết, lợi nhuận từ việc nuôi ốc len tuy có nhưng còn tuỳ thuộc nhiều vào đồng vốn. Năm nào có vốn thả nhiều mà trúng giống tốt thì có lãi nhiều.
Những hộ nhận giao khoán rừng đa số là hộ nghèo. Có gia đình đã sống nơi đây trên 10 năm và không có ý định đến nơi khác, đơn giản vì cánh rừng ngập mặn này chính là nơi tạo ra sinh kế, giúp họ có thêm thu nhập.
Lúc nước ròng, con lạch nhỏ xíu nhô lên, phải nhìn thật kỹ mới thấy được con ốc nhỏ nằm dưới bãi sình. Anh Trần Hữu Nghị, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn, người đồng hành cùng chúng tôi, có vẻ am hiểu tận tường cái “nết” của loài ốc len nên giải thích: “Muốn thấy được ốc nhiều phải vào ngay con nước lớn, ốc bò lên cây, nước ròng ốc lại bò xuống sình để tìm thức ăn, không quen mắt rất khó nhận ra”.
Đến cánh rừng đầu tiên trong tổ hợp tác, bà Tạ Kim Hiền và ông Nguyễn Văn Thống (Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi ốc len) chuẩn bị xong đồ nghề để bắt đầu chuyến đi. Hai người nông dân nhanh nhẹn phóng một cái là qua được mé bờ bên kia. Hơn chục năm sống trong rừng và nuôi ốc len nên bà Hiền và ông Thống đi rừng thật điêu luyện.
Một tay cầm thùng, một tay bắt ốc, bà Hiền thông tin: “Vụ Tết vừa rồi được xem là một năm phấn khởi của bà con nuôi ốc len khi được mùa mà không mất giá. Có lúc giá ốc lên đến hơn 100.000 đồng/kg. Còn lúc thường chỉ cần từ 60.000-80.000 là đã có lời”.
Riêng bãi ốc của Ông Thống do mới thu hoạch vào dịp Tết nên còn lại chủ yếu là ốc nhỏ.. Ông Thống dẫn chúng tôi đến bãi ốc có nhiều ốc len con, rồi giải thích: “Ốc len cũng giống như sò huyết, vọp…, nếu bắt một lần thì không bao giờ hết, chịu khó bắt đi bắt lại mấy lần. Thời điểm thích hợp để thả ốc chính là từ cuối tháng 3 đến tháng 5. Sau khi thả khoảng 6-7 tháng là có thể thu hoạch”.
Ở lâu trong rừng, sống dựa vào thiên nhiên nên con người ngày càng gần gũi với chúng hơn, đặc biệt là loài ốc len. Chỉ cần nhìn con ốc trèo lên gốc cây cao hay thấp là người dân ở đây biết được hôm đó nước sẽ lên như thế nào mà biết đường tính toán dọn dẹp nhà cửa, tránh bị ngập. Quanh quẩn hơn 30 phút trong rừng mắm để tìm ốc, thu hoạch của bà Hiền và ông Thống cũng gọi là khấm khá.
"Hiện nay, giá trị thương phẩm của ốc len được nâng lên rất nhiều nên lợi nhuận ngày càng tăng", ông Thống cho hay.
Giữa năm 2017 vừa rồi, mô hình nuôi ốc len được cán bộ nông nghiệp địa phương đưa lên tỉnh họp bàn để hỗ trợ nông dân sản xuất với tổng số vốn 200 triệu đồng. Vậy là niềm hy vọng lại đến với nông dân nghèo. Không bao lâu nữa cánh rừng này được tận dụng nhiều hơn, nuôi ốc len được nhân rộng, đi đôi với đó là lợi nhuận thu về cho bà con càng cao.