Mỗi năm các hộ nuôi cá tại đây xuất bán 02 vụ với các loại cá điêu hồng, thát lát, trê lai,… đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Gia đình anh Bùi Văn Nhị (xã Vĩnh Hảo) với truyền thống nuôi cá nước ngọt trong lồng hơn 10 năm qua đã mang lại nguồn thu nhập khá, giúp ổn định cuộc sống cho gia đình.
Được biết, thời gian đầu anh chủ yếu nuôi cá điêu hồng thương phẩm phục vụ bà con trong huyện. Nhưng trong vài năm trở lại đây, nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi và phục vụ nhu cầu của thị trường anh đã mạnh dạn đầu tư và thả nuôi thêm cá thát lát cườm. Hiện tại, cơ sở lồng bè nuôi của gia đình anh có tất cả 10 lồng nuôi cá, với diện tích của mỗi lồng là 50 m3, trong đó có 8 lồng nuôi cá điêu hồng và 2 lồng nuôi cá thát lát.
Anh Nhị cho hay, năm 2009 anh bắt đầu xây dựng lồng bè để nuôi cá, lúc đầu chỉ là vài ba lồng nuôi cá điêu hồng. Sau vài vụ nuôi thành công, anh bắt đầu mở rộng lồng nuôi và đầu tư thêm vốn để thả nuôi cá thát lát cườm. Hiện tại, anh đang có 4 lồng cá điêu hồng đã đến kích cỡ thương phẩm, 4 lồng anh mới thả giống cách đây 01 tháng và 2 lồng nuôi cá thát lát cườm với khoảng 5.000 con giống được thả từ đầu năm 2023.
Với 4 lồng nuôi cá điêu hồng đạt kích cỡ thương phẩm trung bình 500 gam/con, trong vài ngày tới anh sẽ tiến hành thu hoạch để đầu tư cho đợt thả giống tiếp theo. Theo đó, sản lượng khoảng 5.000 kg/4 lồng, với giá cá thương phẩm hiện tại khá cao là 50.000 đồng/kg, anh ước tính thu lãi gần 40 triệu đồng sau gần 6 tháng thả nuôi.
Theo anh Nhị, để phát triển nghề nuôi cá nước ngọt trong lồng một cách ổn định và bền vững, cần giải quyết tốt khâu tiêu thụ, đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, giá cả rất bấp bênh và không ổn định, các hộ nuôi bị thương lái ép giá, có lúc giá cá điêu hồng thương phẩm giảm xuống chỉ còn 35.000 đồng/kg.
Vì vậy, trong thời gian tới, các cấp chính quyền cần có chính sách hỗ trợ người dân trong việc phát triển nghề nuôi cá gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, để người nuôi yên tâm trong việc sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.