Hồ hởi trước chuyến ra khơi trên con tàu mới, ngư dân Phan Văn Chinh cho biết sau khi hạ thủy vào cuối tháng 3/2015 và thay thế một số máy móc, ngư lưới cụ đảm bảo đúng theo các tiêu chí của Đề án cho vay vốn hỗ trợ đóng mới tàu vỏ gỗ, tàu TTH-91667 cùng 17 thuyền viên ra khơi đánh bắt hải sản chuyến đầu tiên (ngày 17/7). Dự kiến chuyến đi này kéo dài từ nửa tháng đến một tháng ở vùng biển xa trên 120 hải lý.
Trước lúc tàu xuất cảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Đinh Khắc Đính trao tận tay cho ngư dân Phan Văn Chinh 4 loại giấy chứng nhận (Sổ đăng ký thuyền viên, Giấy chứng nhận đăng ký tàu gỗ, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và Giấy phép khai thác thủy sản) và chúc chủ tàu cùng 17 thuyền viên chuyến ra khơi đầu tiên thuận lợi, cá mực đầy khoang.
Trước lúc xuất bến, ông Chinh cho biết, nghề biển đánh bắt xa bờ rất khó khăn nhưng với quyết tâm bám biển, giữ lấy biển, bám ngư trường của tổ tiên, lại được sự hỗ trợ tích cực từ chính sách phát triển thủy sản của Nhà nước, gia đình đã mạnh dạn đầu tư, vay vốn ưu đãi đóng mới chiếc tàu cá công suất 700CV này.
Con tàu mới này sẽ đảm bảo cho việc đánh bắt dài ngày ở vùng biển xa bờ trên 120 hải lý, chắc chắn lượng cá đánh bắt và chất lượng cá sẽ cao hơn so với trước đây.
Tại cảng thị trấn Thuận An, chiếc tàu dịch vụ nghề cá kết hợp đánh bắt, công suất 480CV của ông Nguyễn Văn Hóa cũng vừa hạ thủy. Ông Hóa vui mừng chia sẻ, với nguồn vốn hỗ trợ 2,7 tỷ đồng theo Nghị định 67, gia đình đã đóng mới con tàu vỏ gỗ, trị giá 4,1 tỷ đồng làm dịch vụ nghề cá thay thế con tàu cũ. Ngày 19/7 này, tàu sẽ ra khơi chuyến đầu tiên.
Ông Hóa cho hay với con tàu công suất lớn này, thời gian thu mua và đưa cá vào bờ sẽ rút ngắn hơn mà lượng thu mua lại nhiều hơn nên chất lượng mực cá đảm bảo, giá bán sẽ cao, thu nhập của gia đình và các ngư dân khác sẽ cao hơn so với trước.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế trao giấy tờ cho chủ tàu và động viên các thuyền viên trước lúc ra khơi. Ảnh: VGP/Thế Phong
Tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có 47 tàu cá đánh bắt xa bờ có công suất từ 400CV trở lên. Đến tháng 7/2015, có 103 chủ tàu đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu cá. Trong đó, số đăng ký đóng mới là 48 tàu cá công suất trên 400CV và đã có 6 chủ tàu được phê duyệt vay vốn với trên 21 tỷ đồng; 12 chủ tàu được vay vốn lưu động 2,5 tỷ đồng để phục vu ngư dân thu mua và khai thác hải sản và 24 tàu dịch vụ nghề cá có tổng công suất từ 400CV trở lên đã được tỉnh phê duyệt để hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Đinh Khắc Đính cho biết kết quả bước đầu của việc thực hiện Nghị định số 67 trên địa bàn tỉnh là tích cực. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở NN&PTNT, các huyện ven biển, các ngân hàng thương mại, bảo hiểm phổ biến, hướng dẫn quy trình, thủ tục cho các chủ tàu đã được UBND tỉnh phê duyệt nhằm tạo điều kiện cho chủ tàu nhanh chóng tiếp cận vốn để đầu tư đóng mới, cải hoán tàu cá phục vụ sản xuất.