Năm 2013, ngay sau khi thực hiện thành công các đề tài trên, các kỹ sư của Trung tâm KHKT và Sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh đã tiếp tục với việc trăn trở tìm ra giống thuỷ sản phù hợp, hiệu quả kinh tế cao để người dân Vân Đồn có thể nuôi thay thế cho con tu hài sau khi bị dịch bệnh”. Trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu thực tế tại huyện Vân Đồn, Trung tâm nhận thấy giá thành của con ốc nhảy da vàng thương phẩm khá cao với giá bán 7.000 đồng/con, doanh thu có thể lên tới 700-800 triệu đồng/ha. Mặc dù giá bán cao thế nhưng trên cả nước, chưa có đơn vị nào thực hiện được việc nhân tạo giống và nuôi thương phẩm loại ốc này cũng như đưa ra được quy trình công nghệ sản xuất giống. Do đó, từ năm 2015 trở về trước, người dân ở các địa phương như Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái, Đầm Hà chủ yếu khai thác ốc nhảy từ tự nhiên nên sản lượng rất thấp và chất lượng không ổn định nên lợi nhuận không cao.
Với mong muốn giúp người dân chủ động về nguồn giống, nâng cao lợi nhuận, tháng 1-2014, Trung tâm đã xây dựng đề tài “Hoàn thiện công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm ốc nhảy da vàng”. Thực hiện đề tài, các kỹ sư của Trung tâm đã phối hợp với các chuyên gia Đài Loan, tập trung nghiên cứu công nghệ sản xuất giống, ương giống trong lồng lưới và nuôi ốc thương phẩm trên bãi triều. Sau gần 2 năm triển khai, kết quả của đề tài đã mang lại thành công hơn cả mong đợi. Tính đến thời điểm này, Trung tâm đã sản xuất được gần 50 vạn con giống cấp 1 và trên 40 vạn con giống cấp 2 (gấp hơn 10 lần so với mục tiêu ban đầu của đề án đặt ra). Toàn bộ số ốc trên đang được các hộ dân ở xã Bản Sen nuôi, ốc phát triển tốt. Dự kiến năm 2016, Trung tâm sẽ sản xuất giống ốc nhảy cấp 1 là 1 triệu con, năm 2017 là 1,5 triệu con, năm 2018 là 2 triệu con. Đồng thời, chuyển giao công nghệ sản xuất giống cho đơn vị phối hợp thực hiện đề tài là Xí nghiệp Sản xuất tôm giống Hạ Long - Chi nhánh Công ty CP Dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản Hạ Long (xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) và các đơn vị khác trên địa bàn tỉnh nếu có nhu cầu. Với tốc độ nuôi ốc nhảy ở các xã đảo Vân Đồn như hiện nay, ước tính nhu cầu về con giống là trên 7,5 triệu con/năm. Như vậy, việc triển khai thành công đề tài đã góp phần từng bước cung ứng sản lượng ốc giống cho người dân. Theo tính toán của Trung tâm, với giá bán từ 200-300 đồng/con ốc giống, khi các trại giống đạt công suất 3 triệu con/năm, doanh thu dự kiến sẽ đạt khoảng 1,2 tỷ đồng, trong đó cho lãi ròng là 0,7 tỷ đồng.
Được biết, cùng với đề tài trên, hiện đề tài “Tiếp nhận công nghệ nuôi cua lột tại Quảng Yên” cũng được các cơ quan chuyên môn và người dân đánh giá rất cao. Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Trung tâm khẳng định: Để tiếp tục tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, năm 2016 Trung tâm sẽ bắt tay vào thực hiện 2 đề tài, dự án khoa học là: Sản xuất và chế biến tảo xoắn Spirulina; sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm ốc tù và. Đồng thời, phối hợp với Viện Tài nguyên Môi trường biển thực hiện đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống ngán phù hợp với điều kiện môi trường sinh thái tại tỉnh Quảng Ninh” và phối hợp với Trường Cao đẳng Thuỷ sản thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình sinh sản nhân tạo giống sá sùng tại Quảng Ninh” để bảo tồn nguồn gen quý hiếm của hai loài này.
Tin tưởng rằng, những đề tài, dự án khoa học trên sẽ tiếp tục thành công, tạo ra nghề nuôi mới, đảm bảo công ăn việc làm cho nhiều người dân trên địa bàn tỉnh và góp phần đa dạng hoá loại nuôi thuỷ sản có giá trị kinh tế cao.