Matt Duncan đã choáng váng khi nhìn thấy cảnh quay sóng thần trên kênh truyền hình Nhật Bản. Do đó, ông quyết định phải làm một điều gì đó để giúp đỡ con người có thể thoát khỏi thảm họa sóng thần trong tương lai.
Matt Duncan cho biết: “Tôi đã ở nhà vào ngày sóng thần tấn công và xem nó trên truyền hình. Lúc đó tôi chỉ nghĩ, làm thế nào để cứu con người thoát khỏi sóng thần. Tôi đã xem đoạn phim nhiều giờ và quan sát các đối tượng khác nhau phản ứng trước sóng thần và các mảnh vụn được đẩy ra biển như thế nào. Kết quả là sản phẩm TSP đã ra đời”.
TSP được làm từ thép hàn xoắn, dày 4mm, có khả năng chống thấm, nổi trên mặt nước và được thiết kế với dáng thuôn nhằm giảm lực cản của nước và tác động của chướng ngại vật. TSP có thể chịu lực va đập lên đến 4 tấn, bên trong được trang bị lớp đệm chống sốc, đủ bảo đảm an toàn cho 4 người và lượng không khí trong khoang đủ để hít thở trong 2 tiếng rưỡi.
Matt Duncan bên trong 1 chiếc TSP có thể chứa được 4 người
Bên cạnh cửa khoang chính, TSP còn có một cửa phụ bên dưới để đề phòng trường hợp bị lật ngược. Cả hai cửa này đều hướng vào trong để tránh các mảnh vụn văng vào. Mỗi một cửa đều có một cửa sổ nhỏ, dày khoảng 2,5cm để giúp giảm thiểu sự tối tăm, chật hẹp.
Phía ngoài của thùng cứu sinh có gắn đèn chớp để phát tín hiệu đến lực lượng cứu hộ. Đội cứu hộ có thể dùng trực thăng hoặc cần cẩu để kéo TSP bằng những móc treo đã có sẵn.
Lương thực, chăn màn và mũ bảo hiểm cũng được chuẩn bị sẵn sàng trong TSP
Với giá khoảng 8.900 USD, Duncan cho biết, TSP không những dùng được trong thảm họa sóng thần mà còn có thể thể làm nơi trú ẩn khi xảy ra động đất hoặc lũ lụt.
>> 8.900 USD cho sản phẩm TSP là số tiền không nhỏ nhưng nếu bạn đã trải qua sóng thần thì đây là mức giá quá nhỏ mà bạn phải trả để cứu lấy đời bạn - Matt Duncan chia sẻ.