Hướng đi mới cho nghề nuôi cá lồng ở huyện Thường Xuân
Phát triển nuôi cá lồng khu vực các lòng hồ thủy lợi, thủy điện theo chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm được huyện Thường Xuân xác định là hướng đi hiệu quả trong khai thác tiềm năng thế mạnh, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) các xã vùng lòng hồ. Đồng thời, góp phần quảng bá thương hiệu nông sản, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp địa phương.
Huyện Thường Xuân có các hồ thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt, Bái Thượng, Xuân Minh với dung tích nước lớn và hệ sinh thái đa dạng xung quanh hồ chính là tiềm năng để phát triển nuôi trồng thủy sản. Một số hộ dân vùng lòng hồ đã lựa chọn nghề nuôi trồng thủy sản để từng bước nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, cải thiện chất lượng cuộc sống và góp phần phát triển KT-XH. Qua tìm hiểu được biết, nghề nuôi cá lồng được người dân trên địa bàn huyện phát triển từ lâu, song do chưa áp dụng khoa học - kỹ thuật vào quá trình sản xuất, thị trường tiêu thụ không ổn định nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Năm 2018, huyện Thường Xuân đã xây dựng và phê duyệt Đề án “Hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, giai đoạn 2019-2021”. Trong đó, chú trọng hỗ trợ phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng an toàn sinh học tại vùng lòng hồ thủy lợi, thủy điện. Chính vì vậy, số lượng các đơn vị, người dân trong huyện đã đăng ký, tập trung phát triển nghề nuôi cá lồng ngày càng tăng. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND huyện Thường Xuân, tính đến đầu tháng 8-2019, đã có 3 đơn vị là HTX dịch vụ tổng hợp Chiêng Ban, HTX Hồng Trường Xuân, Công ty Sinh thái hồ Cửa Đạt và 20 hộ dân thuộc xã Xuân Cẩm tham gia nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, với số lượng 92 lồng cá. Điều đáng chú ý, hầu hết số lồng cá trên địa bàn huyện đều áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và hướng tới đăng ký sản xuất, nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGap nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Lê Văn Hồng, thành viên HTX dịch vụ tổng hợp Chiêng Ban, một trong những hộ tiêu biểu trong phát triển nghề nuôi cá lồng trên địa bàn. Hiện gia đình ông đã phát triển được 12 lồng cá bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, như: Lồng khung sắt, lưới, phao nhựa, có thể tích từ 50m3 trở lên để nuôi các loại cá trắm, chép, lăng, leo... Hiện tại, dù chưa đến ngày thu hoạch song thông qua HTX, 80% số lồng cá của gia đình đã ký hợp đồng thu mua với doanh nghiệp và thương lái. Ông Hồng cho biết: “Dù nuôi cá lồng đã lâu, song trước đây, hệ thống lồng, bè được làm bằng những vật liệu tạm bợ như tre, nứa... lại chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật nên chất lượng, sản lượng chưa cao, việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt dẫn tới việc tiêu thụ khó. Hiện nay, khi tham gia vào đề án của huyện, tôi được tập huấn kỹ thuật, trong đó chú trọng đến chất lượng con giống, lồng bè, sản xuất theo nhiều thời điểm trong năm (để tránh lượng sản phẩm lớn) gắn với bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với việc nuôi thả là tìm kiếm, liên kết sản xuất theo chuỗi, bảo đảm đầu ra sản phẩm”. Theo dự kiến, diện tích lồng cá nuôi theo kỹ thuật mới của gia đình ông Lê Văn Hồng sẽ cho thu hoạch dịp cuối năm, ước tính, sản lượng bình quân khoảng 3 tấn/lồng, doanh thu gần 30 triệu đồng/lồng.
Nhằm khuyến khích, hỗ trợ, giúp đỡ các HTX, công ty và người dân tham gia phát triển nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thủy lợi, thủy điện, UBND huyện Thường Xuân đã xây dựng cơ chế hỗ trợ 5 triệu đồng/lồng cá bảo đảm tiêu chuẩn quy định. Theo đó, 70/93 lồng cá trên địa bàn đã được kiểm tra và hỗ trợ, với tổng kinh phí 350 triệu đồng. Ngoài ra, huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tăng cường phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, thu hút các hộ dân tham gia.
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Thường Xuân cho biết: Theo định hướng của huyện, phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ không chỉ là mô hình sinh kế cho người dân mà còn góp phần phát triển nông nghiệp gắn với du lịch tại địa phương. Vấn đề đặt ra đối với các HTX, hộ dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện hiện nay chính là chưa xây dựng, khẳng định chất lượng cá nên thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tư thương nhỏ, lẻ. Chính vì vậy, người dân còn tâm lý e dè, lo lắng khi bắt tay vào mở rộng và phát triển mô hình. Nắm bắt được tâm lý đó, huyện đã chủ trương xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, hướng tới 100% số lồng cá nuôi trên lòng hồ Thủy điện Cửa Đạt sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và gắn với phát triển du lịch sinh thái. Hiện tại, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hỗ trợ người sản xuất thực hiện các thủ tục để đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn. Đồng thời, hướng dẫn các hộ nuôi chăm sóc, phòng tránh bệnh dịch, an toàn cho diện tích nuôi trong mùa mưa bão nhằm bảo đảm đạt hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, huyện đang thực hiện các giải pháp nhằm tạo mối liên kết với các doanh nghiệp, nhà hàng tiêu thụ, ổn định đầu ra cho sản phẩm thủy sản của người dân.